Chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Đợt mưa lũ lịch sử mấy ngày qua đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản cho nhân dân nhiều địa phương. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường, đồng thời liên tiếp ban hành nhiều văn bản khẩn để chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử này.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tinh hình lũ và làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều – hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Đây là điều rất quan trọng khi mà “nước dâng 5-10 cm nữa là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.
Khẩn trương khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích
Vào khoảng 1h30′ ngày 12/10, tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường huyện Tân Lạc đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiệm trọng. Thông tin ban đầu cho biết đã có 18 người dân thiệt mạng.
Nhận được tin báo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý giải quyết thảm họa. Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng nỗ lực khắc phụ hậu quả, tìm kiếm người còn mất tích…
Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan và các gia đình lo hậu sự chu đáo cho người đã mất.
Do hiện trường vụ sạt lở rất phức tạp, đất đá còn có khả năng sạt lở tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo các biện pháp an toàn cho lực lượng cứu nạn.
Tổ chức lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Sáng 12/10, Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đã ký Điện số 388/KT, gửi các đơn vị thông báo về tình hình mưa lũ tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày qua, đặc biệt là sự cố sạt lở đất xảy ra tại Tân Lạc, Hòa Bình.
Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu Quân khu 3 tiếp tục tổ chức lực lượng tham gia giúp chính quyền và nhân dân địa phương khu vực ngập lụt, sạt, lở đất, tìm kiếm người mất tích.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ đội.
Các đơn vị tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội kịp thời thông tin, tuyên truyền về hoạt động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhân dân vùng bị mưa lũ, thiên tai…
Bằng mọi biện pháp tiếp cận vùng bị cô lập
Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an có công điện gửi các địa phương chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ quét và sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với các tình huống của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương.
Theo dõi chặt diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó. Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Đối với Công an các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố sau đập thủy điện Hòa Bình cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) chỉ đạo các Trung đoàn cảnh sát cơ động đóng quân trên địa bàn bị ảnh hưởng của mưa, lũ (E22, E24, E26) tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an các địa phương nơi đơn vị đóng quân giúp dân thu hoạch hoa màu, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chia cắt và giúp dân khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết; bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, di dời sơ tán dân, giúp dân khắc phục hậu quả khi có yêu cầu…
Khẩn cấp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn hồ đập
Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp đối phó với mưa lớn, lũ lụt, không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc mưa lớn kỷ lục, dồn dập trong thời gian ngắn đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, tài sản của người dân. Cùng với đó, tình huống áp thấp nhiệt đới ngoài khơi mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày sắp tới là cực kỳ nguy hiểm.
“Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như tình huống bão đổ bộ trong một số ngày tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, cơ quan có liên quan triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại cho người dân, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, ven sông suối; kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại trong vùng lũ, nhất là các khu vực ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết; tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải bảo đảm vận hành an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện; huy động lực lượng khắc phục sự cố các công trình giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong mưa lũ; triển khai lực lượng để bảo vệ an toàn cho các công trình hạ tầng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là các công trình, nhà máy thiết yếu; tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân.
* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập.
Theo đó, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn. Triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.
Đối với các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố sau đập thủy điện Hòa Bình cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống; tổ chức rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông khi có nguy cơ xảy ra ngập sâu.
Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, nhất là các hoạt động trên sông và ven sông Hồng.
Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hệ thống điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải thủy.
Thứ năm, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân cư và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ sáu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng mật độ bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân chủ động ứng phó.
Thứ bẩy, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, nhất là thông tin xả lũ đột xuất của các hồ chứa để các cơ quan và người dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Thứ tám, các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lũ theo quy định.
Thứ chín, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủy điện Sơn La được hoạt động trở lại
Hồi 7h00 ngày 12/10 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện hỏa tốc số 79/CĐ-TW gửi Công ty Thủy điện Sơn La.
Công điện cho biết, hiện nay mực nước hồ Hòa Bình đã trong giới hạn cho phép và tiếp tục giảm. Hồi 7h00 ngày 12/11, mực nước thượng lưu ở trao trình 115,52m, lưu lượng đến hồ 3.680m3/s tổng lưu lượng xả 9330m3/s, gồm lưu lượng qua 4 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương hiện nay mưa trên lưu vực hồ đã giảm. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và để đảm bảo cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho phát điện trở lại các tổ máy theo yêu cầu sản xuất của công ty.
Đồng thời tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng lưu, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Kiên quyết di dân khỏi khu vực thấp trũng, ngập lụt
Hồi 20h00 ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 78/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa , Ban chỉ huy các bộ: Công Thương, NNPTNT, TNMT, GTVT, Công an chỉ đạo ứng phó mưa lũ.
Trong công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời dân tại các khu vực thấp trũng, bị ngập lũ, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa .
Tổ chức tuần tra, canh gác phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai khác, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu, tích cực triển khai các phương án ứng phó, hộ đê để đảm bảo an toàn công trình, nhất là khi xuất hiện lũ vượt thiết kế.
Tổ chức cập nhật theo giờ mực nước lũ tại các trạm thủy văn trên sông Mã, sông Chu để kịp thời điều chỉnh vận hành hồ chứa Cửa Đạt giảm lũ cho hạ du…
Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên ngập nước để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để kịp thời triển khai phương án đảm bảo giao thông nhanh nhất.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa, mưa lũ lớn, đặc biệt là khả năng xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã (trạm Giàng); phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương kiểm ra, rà soát các phương án chống lũ, nhất là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa, trong đó đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố do ảnh hưởng của bão số 10, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa đã tích đầy nước; sẵn sàng triển khai việc tiêu thoát nước, chống ngập úng…
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cấp bách khắc phục sạt lở
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành công điện yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, lũ quét ngập lụt ở những vùng trũng, thấp.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay một số công việc sau:
Thứ nhất, khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích, triển khai các biện pháp cấp bách để khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra, tập trung máy móc, phương tiện để giải phóng đất, đá sạt lở, khai thông các tuyến đường bị ách tách, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt với các vùng, khu vực bị chia cắt.
Thứ hai, tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trùng, thấp, ngập lụt ven sông suối. Đảm bảo an sinh, ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Thứ ba, kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.
Thứ tư, triển khai tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khôi phục sự cố lưới điện và thông tin liên lạc trước và sau bão.
Thứ năm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, kịp thời triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Thứ sáu, tăng cường chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn triển khai việc cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác, cảnh báo cho người dân tại các điểm xung yếu, bến đò ngang, ngầm tràn giao thông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy siết khi có lũ; kiên quyết không để các phương tiện, nhất là các xe chở khách đi qua các đoạn đường không đảm bảo an toàn, cấm người đi lại, vớt củi, đánh bắt cá… trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong thời gian diễn ra mưa, bão, tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên ruộng, nương đề phòng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người.
Thứ bẩy, tổ chức hướng dẫn phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm bị ngập lụt, chia cắt; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu để kịp thời triển khai phương án khắc phục, thông tuyến khi xảy ra sự cố sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Có thể xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã
Hồi 11h00 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục ban hành Công điện hỏa tốc số 77/CĐ-TW gửi các bộ ngành, địa phương chỉ đạo ứng phó mưa lũ.
Công điện yêu cầu UBND các tỉnh thành phố bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Sẵn sàng triển khai phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông, khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, để sẵn sàng ứng phó. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt là các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều…
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ t hống phát thanh tại các xã, phường về việc xả lũ các hồ chứa, mưa lũ lớn trên diện rộng, đặc biệt là khả năng xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã của tỉnh Thanh Hóa (tại trạm Giàng); phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp
Sáng ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm các công trình.
Các công trình hồ chứa: Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, hồ Khang Mời, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, hồ Kem xã Địch Giáo, hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc…
Các công trình giao thông: Các tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C,đường TSA (Bãi Lạng – Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang – Nội), tuyến T (Chiềng – Lốc), Trường Sơn A (Ve – Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450… Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.
Các điểm sạt trượt: Tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn… xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.
Công bố nêu rõ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên nắm bắt tổng hợp thông tin thiệt hại từ các địa phương báo cáo UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành vàUBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trưởng các đoàn được giao phụ trách các huyện, thành phố chủ động nắm bắt thông tin diễn biến mưa lũ tại địa bàn được giao phụ trách, để chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó thiên tai.
Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương: Công điện số 110/CĐ-BCH ngày 10/10/2017 của Ban Chỉ hủy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 11/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chánh Văn phòngUBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành 1uyết định này.
Lệnh Thủy điện Sơn La dừng phát điện, không xả lũ về hạ du
Công điện hỏa tốc số 76/CĐ-TW hồi 6h00 ngày 11/10 từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai gửi Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đã vượt mức nước dâng bình thường và tiếp tục gia tăng.
Để đảm bảo an toàn công trình từ tối ngày 10/10, hồ Hòa Bình đã phải chủ động mở 5 cửa xả đáy và có thể còn phải tiếp tục mở thêm.
Hiện tại mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở mức 117,3m, lưu lượng về ở mức 9,380m3 /s.
Để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du, thực hiện quy định tại Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.
Yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng nước đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Chỉ đạo ứng phó thủy điện xả lũ
Trước đó, hồi 4h00’ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện hỏa tốc số 75/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao, TNMT, TTTT, NNPTNT, các cơ quan thông tin đại chúng.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trong ngày 10/10, trên lưu vực hồ Hòa Bình xảy ra mưa lớn (Kim Bôi 278mm, Chi Nê 286mm, Yên Thủy 183mm), lưu lượng về hồ tăng nhanh đạt mức 9.590m3/s (lúc 13h00 ngày 10/10), mực nước hồ đã vượt cao trình mực nước dâng bình thường.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 74 lệnh hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào hồi 7h00 ngày 11/10.
Tuy nhiên, do lưu lượng về hồ tiếp tục ở mức cao so với dự báo, để đảm bảo an toàn công trình, công trình thủy điện Hòa Bình đã phải chủ động liên tục mở 4 cửa xả đáy vào 19h00, 19h30 ngày 10/10; 0h00 và 3h00 ngày 11/10. Hiện tại mực nước về hồ là 9.370m3/s và tiếp tục gia tăng, hồ Hòa Bình sẽ phải tiếp tục mở thêm các cửa xả trong thời gian tới.
Để chủ động đối phó ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương, bộ ngành thực hiện một số nội dung sau.
Thứ nhất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản.Để chủ động đối phó ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương, bộ ngành thực hiện một số nội dung sau.
Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt là các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các xã, phường về việc xả lũ các hồ chứa; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về xả lũ đột xuất của hồ Hòa Bình để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó với xả lũ hồ chứa.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Ít nhất 77 người chết, mất tích vì mưa lũ
Theo thống kê ban đầu về thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh: 37 người chết, 40 người mất tích; sập 217 nhà, hư hỏng 1059 nhà, ngập 16.740 nhà, di dời 791 nhà; Lúa 8071ha, hoa màu 30.390ha, cây trồng lâu năm 897ha; giao thông bị ngập úng, sạt lở nhiều điểm tại QL 6, 21 tại tỉnh Hòa Bình, QL 217, 15 tại Thanh Hóa; QL 32 tại Yên Bái; QL 37, 43 tại Sơn La; QL 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E tại Nghệ An.
Nguôn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.