Chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng.
 
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.

Tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của thành phố Đà Lạt theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố Đà Lạt được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định này.

Ưu tiên bố trí vốn

Về nguồn vốn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư các công trình trọng điểm, tỉnh Lâm Đồng được ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương (bao gồm: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức – ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng ưu đãi Chính phủ), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng cũng được ưu tiên vay vốn ODA để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của thành phố Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng được vận động và thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội về giao thông, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công trình công cộng cần thiết của thành phố Đà Lạt; được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố Đà Lạt, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố Đà Lạt thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định của pháp luật.

Xây dựng mô hình “làng đô thị xanh”

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng được thực hiện việc thu hồi đất đối với dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” (green village) tại thành phố Đà Lạt theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt, đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Do vậy, Đà Lạt được xây dựng và phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, với hình ảnh “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”; thành phố đa sắc thái về văn hóa; vừa bảo tồn vừa phát triển các di sản thiên nhiên và cảnh quan độc đáo; thành phố của khoa học và nghệ thuật; có chất lượng sống cao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Đến năm 2030, thành phố Đà Lạt trở thành thành phố du lịch, dịch vụ đặc thù của quốc gia và mang tầm quốc tế, với đặc trưng là đô thị sinh thái và phát triển dịch vụ, du lịch dựa trên công nghệ và tri thức hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế; trung tâm phát triển nông nghiệp sinh thái dựa trên công nghệ cao của quốc gia và khu vực; phát triển nhanh, đồng bộ và hợp lý các lĩnh vực góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên, lan tỏa đến vùng Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung thành vùng kinh tế động lực của cả nước; gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Nguồn Chính phủ