Chính thức áp dụng đánh giá học sinh tiểu học không dựa trên điểm số

Những trao đổi nhiều chiều từ phía phụ huynh, giáo viên và học sinh dường như chưa dứt cho đến sát thời điểm Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về “Đánh giá học sinh tiểu học” không dựa trên điểm số một cách thường xuyên chính thức có hiệu lực.

 3
Học sinh tiểu học (Ảnh minh họa – X.P).

Đổi mới cách đánh giá

Theo quy định mới, học sinh sẽ được đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và các hoạt động khác theo chương trình giáo dục cấp tiểu học không dựa trên điểm số thường xuyên, giáo viên chỉ cho điểm bài kiểm tra định kỳ khi hết học kỳ I và cuối năm.

Ngoài ra, học sinh còn được đánh giá thường xuyên ở hai nội dung khác là về sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh như: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề và đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn bè và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Tham gia đánh giá thường xuyên gồm có giáo viên, học sinh (tự đánh giá nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh.

Trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học để theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy học.

Cụ thể, giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh; Quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Do năng lực của học sinh không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Hàng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành; giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành; Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác trong tháng;

Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên;

Điểm số sẽ không còn được dùng để đánh giá thường xuyên. Đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được thực hiện vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì.

Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và điểm thập phân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, quản lý, giáo viên cốt cán của các tỉnh thành trên cả nước, những giáo viên cốt cán tham gia tập huấn sẽ theo dõi, hỗ trợ giáo viên tại các trường tiểu học địa phương thực hiện công tác đổi mới đánh giá theo thông tư 30.

Vẫn còn băn khoăn

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, cách đánh giá này giúp giáo viên đổi mới cách dạy, giúp học sinh học được, thích học và học tốt hơn.

Tại các trường tiểu học, từ khi năm học mới 2014-2015 bắt đầu, giáo viên đã không còn chấm điểm hàng ngày cho học sinh. Cách làm mới này cũng gây không ít bỡ ngỡ cho cả học sinh lẫn phụ huynh.

Nhiều em học sinh lớp 4, 5 đã quen với cách đánh giá cho điểm trong suốt 3, 4 năm qua về thắc mắc với cha mẹ, từ nay cô không cho điểm nữa. Một số em học giỏi, hay được điểm 10 tỏ ra…luyến tiếc, vì thiếu đi niềm vui thông báo “Điểm 10” với bố mẹ để được động viên, khen thưởng.

Một số phụ huynh cho biết, hàng ngày theo dõi điểm số của con sẽ nắm được con học tiến bộ, hay vẫn còn chưa tốt ở môn này, môn khác, để nhằm bổ sung hướng dẫn con kịp thời.

Mặc dù không cho điểm nữa, nhưng các cô giáo tiểu học cũng có nhiều sáng tạo khác nhau, để động viên các con, nhất là những học sinh lớp 1 mới bỡ ngỡ bước vào năm học đầu tiên. Tại một trường Tiểu học ở Quận Ba Đình, Hà Nội, các cô giáo thay vì điểm số đã vẽ ký hiệu ngôi sao vào vở của học sinh lớp 1. Tan học, tại cổng trường, nhiều phụ huynh đón con giờ lại hỏi: Hôm nay con có sao nào không?

Các cô giáo có thể bằng nhiều sáng tạo đã nghĩ ra các ký hiệu khác nữa để thay thế cho điểm số. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng liệu cách đánh giá như vậy có mơ hồ hay không và cho rằng sẽ khó theo sự tiến bộ của các con.

Chị Thu Huyền, có con đang học lớp 1 cho biết: “Việc chấm điểm ghi vào học bạ vẫn được tiến hành hai lần vào cuối học kỳ I và cuối năm. Như vậy, về cơ bản là chúng ta vẫn đánh giá thông qua điểm số. Tôi sợ các cháu không quen với việc cho điểm sẽ lúng túng”.

Về kiến thức là như vậy, còn về các nội dung khác cần được đánh giá như năng lực giao tiếp, tự quản, hợp tác; phẩm chất tự tin, tự trọng, trung thực…là những vấn đề không thể đánh giá đơn giản, cảm tính mà cần có phương pháp khoa học, đòi hỏi sự sâu sát đến từng học sinh của giáo viên thì liệu việc đánh giá có khả thi.

Phụ huynh Nguyễn Tuấn Việt còn lo ngại quy định các học sinh đánh giá lẫn nhau có khoa học hay không.

Tuy còn nhiều băn khoăn, nhưng đến thời điểm này khi Thông tư chính thực được áp dụng triển khai tại các trường tiểu học trên cả nước, thì phụ huynh cũng chỉ biết trông đợi vào giáo viên, cũng giống như Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học bày tỏ trước thời điểm áp dụng đánh giá mới dành cho học sinh tiểu học: “Tôi tin vào ý thức trách nhiệm cũng như năng lực sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, của các cấp quản lý giáo dục”.

Nguồn Nhân dân