Chống ma túy – cuộc chiến lâu dài của các nước Mỹ Latinh

        Một lần nữa, cuộc chiến chống ma túy lại được nhắc đến như một vấn đề nan giải, chưa có hồi kết, thậm chí còn nhiều bế tắc ở  Mỹ Latinh. Nhiều quốc gia châu Mỹ thừa nhận rằng, họ đã thất bại với những chính sách hiện hành đối với cuộc chiến này.


Chống ma túy – không chỉ là trấn áp

Mexico là một trong những nước ở Mỹ Latinh sử dụng các biện pháp mạnh tay để đẩy lùi ma túy. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Mexico, kể từ khi Tổng thống Felipe Calderon bắt đầu triển khai quân đội trấn áp các băng đảng ma túy từ tháng 12/2006, khoảng 35.000 người đã thiệt mạng do bạo lực liên quan tới ma túy. Trong khi đó, hơn 5.000 người khác được thông báo đã mất tích.

Nhiều loại vũ khí bị thu giữ sau một chiến dịch trấn áp tội phạm của lực lượng an ninh Mexico
(Ảnh: IT)


Để thực hiện các chiến dịch trấn áp, Chính phủ Mexico đã huy động hàng nghìn binh sỹ trong lực lượng quân đội và an ninh. Nhiều băng nhóm buôn bán ma túy đã bị triệt phá, nhiều tên đầu sỏ bị bắt giữ. Nhưng có thể thấy, hoạt động buôn bán ma túy vẫn rất “sôi động” ở Mexico. Việc chính phủ Mexico tăng cường hoạt động trấn áp các băng đảng ma túy đã khiến chúng phải tìm những cách thức mới để vận chuyển ma túy, tinh vi hơn rất nhiều.

Trong khi đó, tại Brazil, vào tháng 1 vừa qua, một chiến dịch quy mô của cảnh sát ở thành phố Sao Paulo, Brazil nhằm trấn áp các băng đảng ma túy, đã gây ra những cuộc biểu tình của các nhóm nhân quyền cho rằng, vụ trấn áp chỉ là nhằm mục tiêu làm sạch một khu vực đất vàng đang được các công ty bất động sản thèm khát.

Khoảng 300 cảnh sát vũ trang mạnh đã được triển khai ở Cracolandia, một khu vực dân cư phức tạp ở trung tâm thành phố lớn nhất Brazil để chấm dứt tình trạng buôn bán ma túy gần như công khai và bắt giữ hàng trăm người bị nghiện, những kẻ chiếm dụng nhà bất hợp pháp và những tay buôn ma túy.

Chiến dịch này bắt đầu từ đầu tháng 1/2012 sau khi chính quyền Brazil tuyên bố vào tháng 12/2011 những kế hoạch tấn công “đại dịch ma túy” trên quy mô toàn quốc với khoản ngân sách 2,2 tỷ USD tập trung vào phòng ngừa, điều trị và tấn công các băng đảng.

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế hàng đầu Mỹ Latinh này với dân số 190 triệu người, có khoảng 1,2 triệu người sử dụng ma túy.

Tại Sao Paulo, thành phố có 20 triệu dân, cảnh sát trước đó đã dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông những người bị nghiện tại Cracolandia. Nhưng sau những chỉ trích dữ dội, họ đã nhẹ tay hơn, và giờ chỉ lập những trạm kiểm soát tại các ngã tư, buộc những người bị nghiện phải ra khỏi khu này, hoặc bị giam luôn trong đó.

Việc trấn áp tại các thành phố của Brazil đã góp phần “dọn sạch” việc mua bán, sử dụng ma túy ở một số khu vực. Tuy nhiên, có nhiều người dân trong số đó không nghiệp ngập, hoặc không tham gia mua bán ma túy, họ là những người bị thất nghiệp hoặc mắc bệnh tâm thần thì lại lâm vào tình cảnh “cầu bất cầu bơ”. Đó là một trong những mặt trái của các chiến dịch trấn áp ma túy.

Cần có những chính sách mới và hiệu quả hơn

Tại một hội nghị cấp cao ở thành phố Cartagena, Colombia ngày 15/4 vừa qua, các nước Trung Mỹ cho rằng cuộc chiến chống ma túy theo phương cách hiện hành đã thất bại và cần phải có các chiến lược và chính sách mới để ngăn chặn bạo lực liên quan đến ma túy đang ngày càng tăng ở khu vực này.

 

Tại hội nghị của các quốc gia châu Mỹ (OAS) diễn ra vừa qua, vấn đề chống ma túy được coi
là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của khu vực (Ảnh: AFP)


Hội nghị đã nhất trí cho rằng, việc sử dụng chính sách quân sự chống ma túy thời gian qua đã không đạt hiệu quả, do đó cần phải thay đổi ngay các chiến lược và chính sách chống ma túy hiện có.

Chính sách chống ma túy hiện hành chẳng những không giảm được số lượng ma túy bị bắt giữ, mà còn giúp các tổ chức buôn lậu ma túy có điều kiện thâm nhập vào các cơ quan nhà nước, nhất là một số bộ phận có mức độ tham nhũng cao.

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng bạo lực liên quan đến ma túy và các tổ chức buôn lậu ma túy ở các nước Trung Mỹ đã đến mức báo động cao chưa từng có và đang ngày càng nghiêm trọng hơn do nạn tham nhũng, nghèo khổ và bất bình đẳng xã hội.

Hơn 70 ngàn thanh niên là thành viên các tổ chức buôn bán ma túy ở Trung Mỹ đã sử dụng khu vực này để sản xuất và vận chuyển ma túy tới Mỹ và châu Âu. Số vụ bạo lực liên quan đến ma túy đã làm chết trên 100.000 người tại các nước Honduras, El Salvador và Guatemala.

Tại hội nghị trên, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước Trung Mỹ đã kêu gọi đa dạng hóa các phương pháp chống buôn bán ma túy, chứ không chỉ tập trung vào các biện pháp trấn áp như hiện nay.

Các lựa chọn chính sách mới chống ma túy được đề xuất bao gồm quy định cụ thể việc bán, quảng cáo và tiêu thụ ma túy, các biện pháp triệt tiêu lợi nhuận của các tổ chức buôn bán ma túy.

Mỗi nước cần tìm ra các giải pháp riêng phù hợp với đặc thù của nước mình cho cuộc chiến lâu dài này, trong đó tính cả đến biện pháp phi hình sự hóa việc sử dụng ma túy cũng như tăng cường chính sách y tế và giáo dục trên cơ sở tôn trọng lối sống, dân chủ và pháp quyền./.