Chống ngập khu vực Bảo Định – giải pháp trước mắt và lâu dài

      Triều cường cuối tháng 10 vừa qua đã gây ngập nhiều nơi ở TP.Mỹ Tho và vùng Dự án Thủy lợi Bảo Định, một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia về thủy lợi, đây không phải là hiện tượng nhất thời và hiện tượng này có thể tiếp tục xảy ra trong những năm tới. Vì thế, những giải pháp chống ngập cho khu vực trong và ngoài dự án Bảo Định cho trước mắt và lâu dài đang đặt ra cấp thiết.

Cống Bảo Định, một trong những công trình quan trọng của Dự án Thủy lợi Bảo Định.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo) cho biết, sau khi nhận thông báo về mở cống Bảo Định thì nước cũng đã tràn gần đến vườn, người dân “trở tay không kịp”. Thiệt hại nhiều nhất là những vườn mận An Phước ở khu vực này mấy ngày qua đã ngập sâu trở lại do nước rút chậm gặp mưa lớn kéo dài. “4 công (4.000 m2) mận của nhà tôi bị ngập hết, chỉ bảo vệ được 4 công nhãn gần nhà. Trái và bông mận giờ đã rụng sạch chỉ hy vọng còn cứu được cây” - ông Hòa bày tỏ. Anh Nguyễn Văn Ngọc, xã Tam Hiệp (Châu Thành), cũng cho biết thời gian thông báo cống Bảo Định xả triều quá ngắn nên không kịp chuẩn bị bơm chống ngập. “Dù hiện nay, tình hình đã được khắc phục nhưng ảnh hưởng của ngập vừa qua đến sự phát triển và năng suất của rau màu khó tránh khỏi” - anh Nguyễn Văn Ngọc cho biết.

Ông Trần Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, phân nửa diện tích của Châu Thành nằm trong dự án Bảo Định, việc mở cống trong khi nước triều cường cao đã làm cho nhiều diện tích sản xuất phía trong dự án bị ngập nặng, trong đó khu vực ngập nặng nhất là xã Long An, Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa với trên 300 ha ngập - trong đó có gần 150 ha hoa màu. Đến ngày 6 và 7/11, nước vẫn thoát chậm lại gặp nhiều trận mưa kéo dài đã làm ngập thêm nhiều diện tích. Người dân hiện đang tích cực bơm chống úng. Những ngày tới, nếu mưa lớn xảy ra có thể sẽ gây ngập sâu và lúc đó trên 2.000 ha lúa thu đông khu vực này sẽ rất nguy hiểm.

Tại TP. Mỹ Tho (ngoài dự án), triều cường vừa qua cũng gây ngập nhiều nơi như phường 5, phường 10, xã Trung An, Đạo Thạnh…, ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu.

Theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, khu vực bên ngoài dự án Bảo Định, tổng diện tích ảnh hưởng triều vừa qua trên 800 ha. Đối với khu vực bên trong dự án, trên 836 ha bị ngập, chủ yếu là diện tích vườn, một số lúa và hoa màu, trong đó có gần 300 ha tiêu nước khó khăn, người dân đã tập trung bơm tát, hạn chế được ngập úng. Lý giải nguyên nhân ngập, Công ty cho rằng, năm nay lũ lớn, triều cường dâng đột biến, việc vận hành cống Bảo Định (có điều chỉnh vận hành cho phù hợp yêu cầu) khi triều cường kết hợp với nước lũ đổ về qua trục thoát lũ Bến Chùa - Chợ Bưng làm ngập một số diện tích phía trong và ngoài cống do chưa có hệ thống bờ bao, cống đập ngăn triều và nước dâng.

Giải pháp chống úng?

Về giải pháp chống ngập ở TP. Mỹ Tho, ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, qua chuyến khảo sát vừa qua tại khu vực bị ngập ở xã Đạo Thạnh, UBND tỉnh đã cho chủ trương đắp bờ bao từ cống Gò Cát đến cống Bảo Định để bảo vệ khu vực này với chiều dài gần 6 km. Thành phố đã cho tiến hành khảo sát, thiết kế và triển khai thi công với nỗ lực có thể bảo vệ được khu vực này trong kỳ triều cường rằm và cuối tháng này (âl). 

Dù vậy vấn đề đặt ra, trong tình hình giải pháp công trình đắp bờ bao chống ngập chưa thể hoàn thành kịp trong đợt triều cường tới thì sao? Ông Phan Văn Nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần tính đến những giải pháp phi công trình. Theo đó, các cơ quan chức năng, người dân cần đề phòng và chủ động phòng chống khi xảy ra ngập trong những kỳ triều cường tới ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, hiện tượng nước dâng cao gây ngập sâu không phải chỉ xảy ra ở Tiền Giang và nhất thời. Ông Trần Bá Hoằng, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết, mực nước lũ thượng nguồn năm nay còn thấp hơn so với đỉnh lũ năm 2000, trong khi đó khu vực hạ nguồn, mực nước dâng cao và gây ngập sâu hơn năm 2000. Tình trạng ngập vừa qua là tình hình chung trong khu vực Nam bộ. Đây là do sự tác động của biến đổi khí hậu. “Theo kịch bản biến đổi khí hậu, tình trạng nước dâng cao vẫn còn tiếp tục. Vì thế, Trung ương đã có chủ trương cho các địa phương lập quy hoạch chống ngập. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long… đang xúc tiến vấn đề này. Tiền Giang cần có văn bản đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho lập quy hoạch chống ngập TP. Mỹ Tho” - ông Hoằng đề nghị.

Giải quyết vấn đề ngập cho khu vực Bảo Định, về phía tỉnh, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: Trung ương khẩn trương triển khai giai đoạn 2 của dự án Bảo Định, tiếp tục hỗ trợ tỉnh các công trình cấp bách như bờ Đông sông Bảo Định, dự án chống ngập cho phường 5, xã Trung An; hỗ trợ tỉnh chống ngập trong và ngoài cống Bảo Định, giải pháp chống ngập cho TP. Mỹ Tho. Đồng thời, ông yêu cầu TP. Mỹ Tho cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng chống ngập ở khu vực phường 5, 6 và xã Trung An; các địa phương nằm trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng cần chủ động và vận động nhân dân tiến hành nạo vét kinh, mương, thực hiện công tác phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Khánh Cử, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho rằng, cống Bảo Định đóng ngăn triều cường không phải là nguyên nhân làm tăng mực nước và gây ngập úng cho khu vực bên ngoài. Việc xả triều làm ngập úng diện rộng, gây thiệt hại lớn cho diện tích sản xuất bên trong dự án trong khi không cứu được bao nhiêu diện tích bên ngoài. Việc xả triều không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất phía Tiền Giang mà có thể gây thiệt hại cho phía Long An, nhất là các diện tích trồng thanh long.