Chống tham nhũng cần có những giải pháp đủ sức răn đe

(THTG) Sáng 7/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và phòng chống tham nhũng. Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những giải pháp cụ thể, đủ sức răn đe để hạn chế triệt để nạn tham nhũng, lấy lại niềm tin của nhân dân chứ không còn là những bài học rút kinh nghiệm.

vlcsnap-2017-11-07-10h13m37s232  

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sáng 7/11.

Trong phiên thảo luận sáng nay và cuối giờ chiều qua, nhiều đại biểu chỉ ra một thực tế là mất nhiều công sức mới phát hiện ra những vụ việc tham nhũng, thậm chí người tố cáo gặp nhiều thiệt thòi để đưa ánh sáng những sai phạm trong tham nhũng nhưng nhiều vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ rút kinh nghiệm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng bởi theo báo cáo của Chính phủ, số tài sản tham nhũng được thu hồi còn thấp so với số thất thoát, trong 10 năm chỉ thu hồi được 7,82% trên tổng số 59.000 tỉ đồng, nhiều vụ án đi vào bế tắc không thể thu hồi vì nhiều lý do.

vlcsnap-2017-11-07-10h13m45s460

vlcsnap-2017-11-07-10h15m58s387

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.

Để chống tham nhũng, nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung vào việc hoàn thiện những chính sách pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, công khai minh bạch tiến độ xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Bên cạnh những giải pháp mang tính cấp bách, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có lộ trình xây dựng nền hành chính trong sạch thông qua công tác tuyển chọn, rèn luyện đạo đức cán bộ; Xác định trách nhiệm người đứng đầu; Nâng cao đời sống cán bộ công chức, đặc biệt là lộ trình giảm lưu thông tài sản bằng tiền mặt mà qua tài khoản ngân hàng.

Bài và ảnh: Minh Trí