Chống thuốc lá, con đường nhiều chướng ngại vật!

       Ngày 1-5, Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên, từ những quy định trong luật cho thấy con đường chống thuốc lá còn rất gập ghềnh.

                      

Từ thời điểm 1-5, cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc bằng chữ được thay bằng hình ảnh ghê rợn về tác hại của thuốc lá. Cũng từ 1-5, bắt buộc có địa điểm dành riêng cho người hút thuốc lá tại nhà ga, sân bay, cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại cơ sở y tế, giáo dục… Đáng chú ý, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá ngay năm đầu tiên được cấp 200-210 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ.

Người dân thờ ơ

Ghi nhận trong ngày 1-5 tại TP.HCM, phần lớn người bán lẫn người hút thuốc lá đều không biết đến luật này. Khảo sát những điểm bán thuốc lá lẻ trên địa bàn các quận 1, Phú Nhuận và Bình Thạnh, hầu hết đều lắc đầu trước câu hỏi: “Đã biết đến Luật phòng chống tác hại thuốc lá chưa?”.

Tối 1-5, tại một quán trà chanh “chém gió” trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, một tốp thiếu niên khoảng 14-15 tuổi miệng phì phèo thuốc lá, cười đùa với nhau. Các em cho biết đang là học sinh lớp 9, mới tập tành hút thuốc lá mấy tháng nay. Chúng tôi hỏi có biết trẻ em chưa đủ 18 tuổi không được hút thuốc không, một em trong nhóm đáp: “Thì nhà trường, ba mẹ cấm hút lâu rồi mà. Nhưng ra đường thì tụi em hút vài điếu, ai biết được? Mà họ cấm thì công an sẽ phạt tiền hay nhà trường kỷ luật? Nếu phạt tiền thì được, chứ phê bình trước cờ xấu mặt lắm”.

Nhiều năm nay, để không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương – một người bán thuốc lá trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) – chỉ phán đoán. “Thấy nó nhỏ nhỏ là mình không bán thôi chứ không thể phân biệt được chính xác tuổi, nhưng nay trẻ em lớn nhanh lắm mình cũng không thể phân biệt được” – bà Phương cho biết. Cách quan trọng nhất để hạn chế trẻ em hút thuốc, theo bà Phương, là bố mẹ nên giáo dục ý thức cho con mình, việc cấm rất khó vì người bán không ai rảnh để hỏi xem khách mua hàng đã đủ tuổi hay chưa.

Ông Lương Ngọc Hùng, một người bán thuốc lá trên đường Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận), cho rằng cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi rất khó thực hiện vì người bán thuốc lá không có quyền kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng nên không thể biết được họ có đủ 18 tuổi hay không. “Đòi xem chứng minh nhân dân có khi còn bị người mua phản ứng, đó là chưa kể nhiều người lớn hút thuốc lá còn kêu trẻ em đi mua giùm, lúc đó mình phải bán” – ông Hùng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phương còn cho biết thêm: “Hiện chưa nghe ai nói gì về các quy định phải có giấy phép khi bán thuốc lá”.

Lo khó ở khâu thực thi

15 triệu

Đó là số người VN hút thuốc lá. VN là 1 trong 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, VN là quốc gia đứng thứ ba có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Tỉ lệ phụ nữ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 70% và trẻ em là 50%.

(Nguồn: Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá, thống kê tại VN năm 2010)

Tại hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá vừa được Bộ Y tế tổ chức tuần trước ở Hà Nội, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đã thông báo nhiều quy định mới rất mạnh mẽ nhằm giảm hút thuốc lá. Theo đó, Luật phòng chống tác hại thuốc lá cấm quảng cáo, tiếp thị thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Ở những địa điểm công cộng cho phép hút thuốc lá, luật yêu cầu thành lập khu vực dành riêng cho người hút thuốc, có biển báo hướng dẫn, cách biệt với khu vực chung, có hệ thống thông khí hai chiều để không ảnh hưởng đến người xung quanh.

Ngay từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá được đưa ra bàn thảo, những điểm cấm mạnh mẽ này đã được nhiều giới, nhiều ngành hưởng ứng. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN Takeshi Kasai cho biết với quy định cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh bốn màu, trên 50% diện tích vỏ bao thuốc lá kể từ cuối năm 2013, VN là quốc gia thứ năm ở khu vực ASEAN sử dụng biện pháp truyền thông mạnh hơn với người hút thuốc ngay trên vỏ bao thuốc, thay cho cảnh báo sức khỏe bằng lời đơn điệu và chưa đủ sức nặng như hiện hành.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là ở khâu thực thi. Theo quy định trong luật, thanh tra sở y tế các tỉnh, thanh tra Bộ Y tế được phân công làm nhiệm vụ xử phạt người hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá, còn xử lý thuốc lá giả, kém chất lượng, buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ của Bộ Công thương… Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc lực lượng thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng, vừa nhiều nhiệm vụ thì lấy đâu ra người xử phạt? Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng không có nước nào đủ lực lượng xử lý mà phải có xử phạt điểm để người dân biết hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm là bị phạt. “Chủ yếu vẫn là giáo dục, thuyết phục” – ông Quang cho biết.

Quảng cáo thuốc lá: không giảm mà còn tăng

Vẫn bán thuốc lá bao bì cũ

Ngày 1-5, dù là ngày bắt đầu có hiệu lực việc ghi nhãn, in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo thông tư liên tịch của hai bộ Công thương – Y tế, nhưng ghi nhận trên thị trường thuốc lá vẫn không có gì thay đổi. Quy định bắt buộc diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên bao bì thuốc lá, nhưng trên thị trường chỉ thấy lưu hành các mẫu bao thuốc lá in dòng chữ “hút thuốc lá gây ung thư phổi” ở mặt trước, có diện tích nhãn dán chỉ bằng 1/3 so với diện tích bao thuốc lá. Bà K.N., bán tạp hóa trên đường Hoàng Văn Thụ (TP.HCM), cho hay vẫn chưa nhận được các mẫu bao thuốc lá mới của các hãng “rót” xuống.

Ông Trần Sơn Châu, tổng giám đốc Vinataba, cho biết công ty đã áp dụng theo đúng các điều khoản quy định trong thông tư liên tịch nói trên.Trong đó, điều 6 quy định “điều khoản chuyển tiếp” là sản phẩm thuốc lá dạng bao mềm, bao cứng được sản xuất, nhập khẩu từ ngày 1-5-2013 để tiêu thụ tại VN phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc “không chậm hơn sáu tháng” (đối với bao bì mềm) và “không chậm hơn mười tháng” (đối với bao bì cứng) kể từ ngày thông tư được ban hành, các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn thời gian để tiêu thụ các sản phẩm có bao bì cũ là khá dễ hiểu.

Phó tổng giám đốc Bùi Nhật Tiến cho viết Vinataba và các xí nghiệp thành viên đang có những bước chuẩn bị tích cực để có thể đáp ứng đúng hạn. Về khả năng in nhãn sớm trước hạn, Vinataba khó có thể đáp ứng bởi còn cần nhiều bước chuẩn bị liên quan đến khâu in ấn.

T.V.N. – C.V.KÌNH

Một điểm khó thực hiện nữa là việc cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Do thiếu lực lượng chức năng nên quy định cấm này lại phải trông chờ vào… ý thức của người bán hàng. Theo ông Nguyễn Huy Quang, các nước trước khi mua thuốc lá phải quẹt thẻ tương tự chứng minh nhân dân, nên biết ngay là người mua bao nhiêu tuổi. Còn ở VN, thật khó yêu cầu trình chứng minh nhân dân khi mua thuốc lá, cũng như thật khó trông vào ý thức của người bán hàng.

Luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá. Thời gian qua, quy định này đã được nhiều văn bản của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch ban hành, nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức né, như quảng cáo bằng cách cung cấp gạt tàn thuốc lá, ô che nắng… có biểu tượng hoặc thương hiệu thuốc lá cho các cửa hàng, quán ăn, khu dân cư. Điều tra tại 1.500 điểm bán thuốc của ĐH Y tế công cộng từ năm 2009-2011 cho thấy có đến 95% điểm bán vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá, vi phạm quy định về trưng bày thuốc lá. Theo thời gian, tỉ lệ vi phạm không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Lại chờ hướng dẫn

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ người hút thuốc lá đã giảm từ khoảng 57% nam giới trưởng thành xuống còn 48%. Ở nữ giới, tỉ lệ này cũng giảm từ 1,8% xuống còn 1,4%. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, VN vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, mỗi năm khoảng 40.000 người VN tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và nếu không có các biện pháp tích cực, số người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.

Ông Nguyễn Huy Quang cho hay một điểm nhấn trong luật là quy định thành lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, với kinh phí năm đầu tiên 200-210 tỉ đồng, tương đương 1% giá thành sản xuất/nhập khẩu tổng lượng thuốc lá bán ra ở VN, để thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

Tuy nhiên, hiện dự thảo quy chế hoạt động của quỹ mới được trình lên Chính phủ, dự kiến phải hai tháng nữa quỹ mới có thể ra mắt và 5-6 tháng nữa mới vận hành nhịp nhàng. Còn ông Bùi Nhật Tiến, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), nói với quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá sẽ phải trích 1-2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sản phẩm thuốc lá để nộp quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, trước mắt nếu chưa tăng giá sẽ ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, khi tăng giá thì khoản đóng quỹ trên được tính vào giá thành và người tiêu dùng sẽ chi trả.

Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật, ngoại trừ thông tư liên tịch Bộ Y tế – Bộ Công thương về cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh lên vỏ bao thuốc lá, đều đang trong quá trình xây dựng. Vì vậy luật có hiệu lực từ ngày 1-5, nhưng thực tế vẫn chưa có gì mới liên quan đến phòng chống tác hại thuốc lá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Y tế cho biết bộ đã giao thanh tra và văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp để cụ thể hóa các bước triển khai luật. Nhưng đến nay cũng chưa biết phối hợp thế nào? Năm 2009, Thủ tướng đã có quyết định 1315 về các địa điểm công cộng trong nhà cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên sau lệnh cấm, tình hình hút thuốc lá tại địa điểm bị cấm vẫn không giảm là bao, vì cho đến nay mới phạt được mười người hút thuốc ở địa điểm cấm tại Lào Cai. Còn ở Hải Dương, bảo vệ một bệnh viện phạt tiền ba người hút thuốc trong bệnh viện bị coi là không đủ thẩm quyền và vi phạm luật.