Chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2 đang hoạt động trên Biển Đông
Sáng 1/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã có buổi họp bàn về công tác ứng phó với cơn bão số 2 đang hoạt động trên Biển Đông.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 8 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,2 độ vĩ Bắc, 118,8 độ kinh Đông, sức gió ở vùng tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây bắc với tốc độ 25km/h, bán kính gió mạnh trong vùng 250km. Dự báo trong 24 giờ tới, bão có thể mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 16-17. Chiều tối mai (2/8), khu vực Biển đông Vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Để ứng phó với diễn biến của bão số 2 đang hoạt động trên Biển Đông, tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, công tác quan trọng nhất hiện nay là cần tiếp tục duy trì chế độ trực ban 24/24h tại các Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh biên giới phía Bắc, khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, thường xuyên, theo dõi cập nhật diễn biến, tình hình của bão số 2 để có những chỉ đạo, ứng phó kịp thời.
Trong đó, cần xác định những vùng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ bão, các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để phối hợp với lực lượng của các địa phương cùng xử lý khi có sự cố. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản cần nắm chắc thông tin về số lượng các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt khu vực bắc Biển đông và khu vực quần đảo Hoàng sa, kiên quyết yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động ở những khu vực này về bờ hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm của bão.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng yêu cầu, cơ quan dự báo cần bám sát diễn biến bão số 2, kịp thời thông tin cho các cơ quan, đơn vị, cơ quan truyền thông để thông báo cho nhân dân. Với các cơ quan truyền thông, cần bám sát diễn biến của bão, tăng thời lượng phát sóng, tạo không khí khẩn trương để bà con chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh cần thông báo cho bà con ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão; thực hiện tốt công tác kiểm đếm tàu thuyền, theo dõi tình hình và sẵn sàng lực lượng ứng phó khi bão đổ bộ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp vị trí các công trình có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn từ bão để cùng phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác ứng phó cho các tỉnh miền núi về an toàn hồ đập, các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.