Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) và Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, sáng 30-5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt đoàn đại biểu 55 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
1

Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Theo báo cáo, đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,5 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt. Để hỗ trợ nhóm trẻ này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em… Hệ thống quỹ bảo trợ trẻ em các cấp trong 24 năm qua đã huy động được hơn 5.000 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Từ năm 2008 đến 2015, đã có 425 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…. đạt thành tích cao trong học tập được tham dự Chương trình Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương. 55 em tham dự Chương trình năm nay đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương và khen ngợi các cháu dự buổi gặp mặt, mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi trong các năm học, có nhiều cháu đoạt các giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt, xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ.

Chủ tịch nước nêu rõ, việc thực hiện chính sách xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách cụ thể, như trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí…

Biểu dương các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đang và sẽ luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ em. Chủ tịch nước đề nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2016-2020, gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020. Chủ tịch nước kêu gọi các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào các hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; chú trọng xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh; ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng gặp thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị – xã hội.

* Tối 30-5, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc lần thứ 9”, với sự tham dự của 55 trẻ em tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, đến từ 11 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Cao Bằng, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Bình Thuận, Long An, An Giang, Trà Vinh, Sơn La.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dự.

Trong khuôn khổ chương trình gặp mặt, các đại biểu đã được giao lưu, lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của một số em có hoàn cảnh đặc biệt và những cố gắng của các em để đạt thành tích tốt trong học tập.

Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng đại diện một số nhà tài trợ đã trao quà và hỗ trợ tiền mặt tặng 55 trẻ em tiêu biểu tham dự chương trình.

Nguồn nhandan.com.vn