Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Ngày 17-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) T.Ư tổ chức phiên họp thứ 25 để thảo luận, cho ý kiến về “Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư” và báo cáo việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư các nhiệm kỳ từ năm 2002 đến 2016. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư chủ trì phiên họp. |
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH; các thành viên Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của QH, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tờ trình của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đề án, nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quyết tâm phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động tư pháp. Về cơ bản, hầu hết luật sư khi hành nghề luôn nắm vững và tuân thủ các quy định về hành nghề, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp luật sư, giữ gìn thanh danh, uy tín của bản thân luật sư nói riêng và đội ngũ luật sư Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng tiêu cực trong nhiều lĩnh vực của hoạt động tư pháp có thể có liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư, vẫn thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ năm 2009 đến tháng 9-2015, Liên đoàn đã nhận được hơn 400 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với luật sư, trong đó chủ yếu liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề luật sư. Các đoàn luật sư trong cả nước đã xử lý 100 trường hợp, trong đó kỷ luật bằng hình thức xóa tên 35 luật sư. Trong các trường hợp này, chủ yếu là vi phạm hành nghề luật sư… Về sự cần thiết của đề án, các đại biểu cho rằng, đề án được xây dựng công phu, tâm huyết, bố cục chặt chẽ, có căn cứ khoa học và thực tiễn; các giải pháp được đưa ra đồng bộ, toàn diện và có cơ sở thực tiễn cao. Dự thảo lần này gồm bốn phần chính, trong đó đề cập việc nhận diện tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; thực trạng phòng, chống tiêu cực của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư các địa phương thời gian qua; quan điểm định hướng và mục tiêu phòng, chống tiêu cực trong hoạt động luật sư; các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực giai đoạn 2015-2020 và các năm tiếp theo… Theo Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư, đề án đã nêu được sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, căn cứ xây dựng đề án; nhận diện chín nhóm hành vi tiêu cực trong hành nghề luật sư; chín loại nguyên nhân của tình trạng tiêu cực trong hành nghề luật sư, thực trạng công tác phòng, chống tiêu cực trong hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đề ra chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tiêu cực và lộ trình thực hiện. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đề nghị Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án cả về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và nội dung của đề án một cách toàn diện, cụ thể, chi tiết, bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn. Đề án cần bám sát các quan điểm định hướng về vị trí, vai trò và yêu cầu đối với luật sư trong CCTP, CCHC, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam; cần nêu rõ và phân tích sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng; bổ sung những giải pháp mang tính tổng thể, giải pháp về thanh tra, kiểm tra kết hợp với tự quản của liên đoàn… Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Chủ tịch nước cho rằng, hoạt động hành nghề luật sư và các hoạt động tư pháp đều có chung mục tiêu là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Chủ tịch nước hoan nghênh, đánh giá cao kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án trọng điểm của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng T.Ư năm qua, trong đó một số vụ có sự đóng góp của đội ngũ luật sư trong việc phát hiện bỏ sót tội phạm. Về nguyên nhân của tiêu cực, Chủ tịch nước đánh giá cao ban soạn thảo đã thẳng thắn chỉ rõ và nêu được các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Cùng với nghề dạy học, nghề y, luật sư là một trong những nghề được xã hội tôn vinh. Trong lịch sử tư pháp của nước nhà đã có nhiều gương luật sư có nhiều cống hiến cho cách mạng, cho đất nước. Mang trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ, sứ mạng của luật sư chân chính là đứng về lẽ phải, làm cho người phạm tội nhận ra được tội lỗi, khuyết điểm của mình để khắc phục và được nhận sự khoan hồng. Chủ tịch nước đề nghị Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện đề án; xây dựng đội ngũ và hoạt động luật sư vì công lý, góp phần xây dựng “nền tư pháp vì dân”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng trong đội ngũ luật sư, đặc biệt lưu ý những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực, từ đó đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả. Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, dự báo tình hình tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; phân tích các quy định của pháp luật liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng, phát sinh hành vi tiêu cực… Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư các nhiệm kỳ từ năm 2002 đến 2016. Nguồn Báo Nhân Dân Online |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.