Chủ tịch QH: Cần rà soát, sửa quy định cấp phép biểu diễn nghệ thuật
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ VHTTDL chỉ đạo rà soát, sớm sửa đổi quy định cấp phép biểu diễn nghệ thuật.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện kết thúc phiên trả lời chất vấn tại Nghị trường sáng nay (14/6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong phiên chất vấn có 32 câu hỏi và 11 tranh luận. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành, nắm rõ tình hình của Bộ của ngành và các vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng đã chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại và rút kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Tuy nhiên, Bộ trưởng trả lời 1 số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu nên có những tranh luận khá sôi nổi.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành VH-TT-DL vẫn còn nhiều hạn chế đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn như công tác quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa nghệ thuật còn có sai sót gây dư luận không tốt; việc quản lý lễ hội còn tình trạng buông lỏng, bị lợi dụng, bị trục lợi làm lãng phí nguồn lực xã hội.
Việc quản lý các công trình văn hóa, thể thao kém hiệu quả, thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng. Còn nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu thiết bị. Đạo đức xã hội, văn hóa bị suy giảm chưa có giải pháp khắc phục rõ ràng. Công tác quy hoạch và quản lý du lịch còn nhiều bất cập, cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, tiềm năng, lợi thế…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ tích cực chỉ đạo và đề ra các giải pháp khắc phục, trong đó tập trung vào rà soát, sớm sửa đổi quy định cấp phép biểu diễn nghệ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách làm văn hóa nghệ thuật, có biện pháp cụ thể để sử dụng các công trình văn hóa, thế thao, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, sớm ban hành văn bản trong quản lý lễ hội…
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, cần xem lại công tác quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
“Cần phải xem lại công tác quản lý liên quan đến việc xin phép, cấp phép của Bộ VH-TT-DL, đặc biệt liên quan đến việc cấp phép hơn 300 ca khúc vừa qua”, ông Thắng nói.
Đại biểu Thắng đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này, đồng thời đề nghị nếu phát hiện ra những vấn đề gì chưa được, cần phải tháo gỡ thì cùng nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân để tìm ra hướng xử lý trong thời gian tới.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời thẳng thắn trên tinh thần cầu thị trong quá trình giải đáp các chất vấn và tranh luận được các đại biểu Quốc hội nêu ra.
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến |
* Sau khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu là rõ hơn một số vấn đề liên quan đến quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng), đặc biệt là ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chính phủ không để Đà Nẵng quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Nếu để Đà Nẵng tự quyết thì đã không có làm quy hoạch, không có con số 1.600, 5.000 hay 7.000 phòng”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ nói rất rõ, đây là tiếp thu ý kiến, Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, còn cuối cùng sau khi nghe ý kiến của tất cả các bên thì Chính phủ quyết định, vì luật định việc phê duyệt, bổ sung hay điều chỉnh quy hoạch là Thủ tướng. Chúng ta không phát triển du lịch mà bảo tồn nguyên trạng thì việc bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục khu du lịch Quốc gia cũng do Thủ tướng quyết định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm, nói Đà Nẵng chủ động hơn trong tiếp thu ý kiến vì vấn đề Sơn Trà cần sự thống nhất của chính quyền và đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.
“Chúng ta đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng cũng vậy, cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn” – ông Vũ Đức Đam nói.
Một vấn đề nữa là trước đây chưa có quy hoạch thì theo thẩm quyền, Đà Nẵng cấp phép đầu tư, giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì Đà Nẵng phải làm việc với doanh nghiệp.
“Giờ giữ quy mô mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với nhà đầu tư, vì theo luật, quyết định ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp thì phải có giải pháp cho doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và hy vọng rằng, Đà Nẵng chủ động sẽ có sự đồng thuận và Thủ tướng sẽ quyết định trên tinh thần phát triển bền vững.
Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết ông và cử tri nói chung cảm thấy yên tâm. Phó Thủ tướng đã trực tiếp đi thị sát, nghiên cứu sâu về Sơn Trà.
Đại biểu tin tưởng, Đà Nẵng với sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ sẽ tìm ra giải pháp tối ưu để bảo vệ tài sản thiên nhiên – Sơn Trà.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.