Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang làm việc với các ngành và địa phương về việc ứng phó với bão số 9
(THTG) Ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, sáng 23/11, Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cùng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành thị đã có buổi họp nắm thông tin diễn biến tình hình của bão số 9 (bão Usagi) và sự chuẩn bị của các địa phương trong công tác ứng phó với bão.
Quang cảnh buổi họp bàn ứng phó bão số 9 của UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trọng Hiếu
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến sáng 23/11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
Ngoài ra, các công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất và đời sống.
Cơn bão số 9 có diễn biến phức tạp, dự kiến tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ. Ảnh: Trọng Hiếu
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão để có phương án đối phó cụ thể, kịp thời, thường xuyên cập nhật và chuyển tải các thông tin về diễn biến của cơn bão số 9 để người dân nắm bắt và chủ động ứng phó. Riêng đối UBND các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng phương án chống bão theo phương châm 4 “tại chỗ”, lấy cơ sở làm trọng tâm và túc trực 24/24.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Hiếu
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 10 giờ sáng nay 23/11, tâm bão số 9 cách đảo Phú Quý khoảng 360km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Vị trí và đường di chuyển dự kiến của bão số 9
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 24/11, tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 70km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 9
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 10 giờ ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.
Trong 48-60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, từ đêm nay 23-11, gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Trọng Hiếu
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.