Chưa có bằng chứng Covid-19 lây nhiễm qua thực phẩm
Tổ chức Y tế thế giới hôm 13-8 khẳng định “không có bằng chứng” cho thấy virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19 lây nhiễm qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm
“Mọi người không nên lo sợ thực phẩm, quá trình đóng gói, xử lý hoặc vận chuyển thực phẩm. Mọi người đã quá đủ lo sợ về đại dịch Covid-19” – ông Ryan khẳng định, không lâu sau khi 3 thành phố ở Trung Quốc tuyên bố phát hiện SARS-CoV-2 trên bề mặt thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trong vòng 4 ngày, làm gia tăng nỗi lo về việc virus có thể lây nhiễm qua thực phẩm và gây ra những ổ dịch mới, theo đài NBC News.
Theo nhà dịch tễ học hàng đầu của WHO Maria Van Kerkhove, các quan chức y tế Trung Quốc đã kiểm tra “hàng trăm ngàn” mẫu vật lấy từ thực phẩm đông lạnh và phát hiện “rất, rất ít” mẫu vật dương tính. Cũng theo bà Van Kerkhove, kể cả khi SARS-CoV-2 lây nhiễm qua thực phẩm, nó cũng sẽ bị tiêu diệt như những virus khác nếu thực phẩm được nấu chín.
Trong tuyên bố chung cùng ngày, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng khẳng định “không có bằng chứng cho thấy con người có thể bị nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm”.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern hôm 14-8 tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa cấp độ 3 đối với Auckland thêm 12 ngày nhằm khống chế cụm dịch Covid-19 bí ẩn ở thành phố này. Tuyên bố này đồng nghĩa khoảng 1,5 triệu cư dân Auckland sẽ phải tiếp tục ở nhà trong khi trường học hạn chế hoạt động và các địa điểm công cộng, như viện bảo tàng, sân chơi và phòng gym bị đóng cửa. Những khu vực còn lại của New Zealand sẽ duy trì trạng thái phong tỏa cấp độ 2, bao gồm quy định không tụ tập quá 100 người. Cũng theo bà Ardern, đợt bùng phát này liên quan đến một chủng virus khác so với đợt bùng phát đầu tiên ở New Zealand hồi đầu năm. Trước đó, Bộ trưởng Y tế New Zealand Chris Hipkins khẳng định kết quả phân tích gien cho thấy cụm dịch mới có nguồn gốc từ Anh hoặc Úc.
Hải sản tại một khu chợ ở thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc hôm 14-8. Ảnh: REUTERS
Động thái quyết liệt trên được chính phủ New Zealand triển khai sau khi phát hiện những ca nhiễm mới sau 102 ngày “sạch” Covid-19 vào ngày 11-8. Kể từ đó, giới chức nước này công bố tổng cộng 29 ca nhiễm mới, tất cả đều liên quan đến cụm dịch bí ẩn trên.
Về phần mình, theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 14-8, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thành phố biên giới Kaesong sau 3 tuần triển khai các biện pháp cách ly vì một trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Cũng theo KCNA, quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học rằng tình hình Covid-19 tại Kaesong đã ổn định. Dù vậy, lãnh đạo Kim nhấn mạnh Triều Tiên sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới, từ chối nhận viện trợ bên ngoài trong bối cảnh quốc gia của ông đang tiến hành cuộc chiến chống dịch quyết liệt và tái xây dựng hàng ngàn căn nhà, đường sá và cầu bị mưa lũ hủy hoại trong những tuần qua.
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế thông báo thêm 103 ca nhiễm Covid-19 vào ngày 14-8, tức gần gấp đôi so với một ngày trước đó, đồng thời cảnh báo những ca nhiễm mới – phần lớn liên quan đến những người đi nhà thờ, có thể gây ra thách thức lớn hơn so với đợt lây nhiễm trước.
“Chúng tôi đang trong một tình huống nghiêm trọng khi số ca nhiễm địa phương tăng lên từng ngày giữa mùa du lịch. Có dấu hiệu cho thấy những ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không bị phát hiện, đang âm thầm lây nhiễm” – Phó Giám đốc Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc Kwon Jun-wook nói.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo 6.216 ca nhiễm và 16 ca tử vong mới vì Covid-19, nâng tổng số lên lần lượt 153.660 và 2.442 ca. Theo báo Manila Bulletin, Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp thuận đề xuất của Bộ Giáo dục Philippines về việc dời ngày khai giảng sang 5-10, thay vì 24-8 như dự tính.
Cần thêm thông tin về vắc-xin Nga
Không chỉ các chuyên gia ở nhiều nơi trên thế giới bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của vắc-xin Sputnik V khi chúng được công bố một cách vội vã, bác sĩ ở Nga cũng ít nhiều hoài nghi.
GS Alexander Chuchalin, bác sĩ hàng đầu về hô hấp ở Nga, đã từ chức khỏi Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế Nga sau khi chỉ trích vắc-xin Sputnik V từ trước khi chúng được phê duyệt đăng ký. Theo India Times, ông Chuchalin đã tìm cách ngăn chặn quá trình đăng ký vắc-xin này vì “lý do an toàn” nhưng bất thành. Chuyên gia này cảnh báo điều quan trọng là phải biết tác dụng của vắc-xin trong thời gian dài hơn bởi thực tế có một số hợp chất không biểu hiện ngay lập tức mà phải sau một hoặc hai năm.
Theo tờ PTI (Ấn Độ), WHO cho biết loại vắc-xin được Nga phê duyệt trong tuần này không nằm trong số 9 loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối mà tổ chức này ghi nhận. TS Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO, cho biết: “Chúng tôi không có đủ thông tin vào thời điểm này để đưa ra nhận định về vắc-xin của Nga. Chúng tôi đang trao đổi với Nga để có thêm thông tin về tình trạng của sản phẩm đó, các thử nghiệm đã được thực hiện và các bước tiếp theo là gì”.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.