Chuyển đổi gần 3.000 hecta đất sản xuất lúa sang cây trồng khác tại vùng ngọt hóa Gò Công

(THTG) Trước tình hình khan hiếm nước phục vụ sản xuất vụ lúa Xuân Hè 2018, mùa khô năm nay, các địa phương vùng dự án ngọt hóa Gò Công mạnh dạn chuyển đổi gần 3.000 hecta đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng các loại hoa màu và cây ăn trái có tính chống chịu cao với nắng nóng, hạn hán và nước mặn xâm nhập.

Still0313_00007Still0313_00013

Mô hình trồng rau màu trong vùng ngọt hóa Gò Công. Ảnh: Bá Thủy

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính tới thời điểm đầu năm 2018, các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Thị xã Gò Công đã chuyển đổi gần 3.000 hecta đất lúa ở các khu vực thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô, sang các loại cây trồng khác như: dưa hấu, bắp, ớt, sả và rau màu các loại. Riêng khu vực ven sông Tra, thuộc huyện Gò Công Tây và các xã: Bình Đông, Bình Xuân, thị xã Gò Công và xã Tân Phước, Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông chuyển đổi mạnh mẽ từ lúa sang trồng cây thanh long, do cây trồng này có đầu ra tương đối ổn định, lợi nhuận kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và có khả năng chống chịu hạn, mặn cao.

Still0313_00009 Still0313_00011

… và mô hình trồng thanh long. Ảnh: Bá Thủy

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, mặn xâm nhập vào mùa khô, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 3064 triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông” đến năm 2025, với tổng kinh phí đầu tư thực hiện khoảng 1.658 tỷ đồng. Theo đề án, sẽ có khoảng 26.147 hecta đất lúa kém hiệu quả của 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn của 5 huyện, thị phía Đông phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn.

Kim Nữ