Chuyển động mới từ Triều Tiên

Ngày 22-12, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, trong đó thảo luận về các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường năng lực các lực lượng vũ trang.
dau-vi_zdyb
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ thử vũ khí trong năm 2019

Tiếp tục thử hạt nhân, tên lửa?

Theo KCNA, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra những phân tích và tóm tắt về tình hình phức tạp trong và ngoài nước, đồng thời nhấn mạnh cuộc họp này sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Ngoài ra, cuộc họp cũng thảo luận các vấn đề trọng yếu định hướng củng cố nền quốc phòng và những vấn đề cốt lõi để phát triển năng lực của quân đội trong phòng vệ một cách nhanh chóng và liên tục. Cũng theo KCNA, cuộc họp đã quyết định về các vấn đề quân sự quan trọng và các giải pháp trong công tác tổ chức, mở rộng, tái cơ cấu các đơn vị mới sao cho phù hợp với kế hoạch chiến lược và quân sự của đảng Lao động Triều Tiên.

Theo giới quan sát, cuộc họp này dường như phát đi tín hiệu Triều Tiên có thể sớm tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Năm ngoái, sau phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore. Nếu diễn ra vào thời điểm này, phiên họp năm nay có thể là để ra quyết định về việc rút lại lệnh tạm ngừng nói trên.

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Bình Nhưỡng đe dọa tìm kiếm “con đường mới” trong trường hợp Washington đến cuối năm nay vẫn không đưa ra đề xuất có thể chấp nhận được trong đàm phán hạt nhân.

Trở lại vạch xuất phát

Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song cũng không đạt kết quả. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới đồng thời đề nghị Mỹ tới cuối năm 2019 phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác. Trong bối cảnh quỹ thời gian đang ngày càng thu hẹp, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa sau thời hạn nói trên, đưa tiến trình đàm phán trở về vạch xuất phát.

Tạp chí  Foreign Policy nhận định, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã gặt hái được thành công hiếm có với Bình Nhưỡng, giờ đang phá hỏng điều đó. Những người chỉ trích chính sách ngoại giao Triều Tiên của ông Donald Trump cho rằng Tổng thống Mỹ thiếu sự tập trung cần thiết để xử lý yếu tố cốt lõi trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, lĩnh vực mà nội dung chi tiết đóng vai trò quan trọng nhất.

Ngoài ra, ông Donald Trump nên dừng can dự thêm thì thích hợp hơn. Tổng thống Mỹ có thể đơn giản là khoán công việc khó khăn này cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và để Seoul thực thi chế độ hòa bình. Chẳng hạn, thông qua việc nới lỏng một phần biện pháp trừng phạt và hợp tác kinh tế liên Triều để đổi lấy những bước đi ban đầu hướng tới phi hạt nhân hóa, như việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Ông Moon Jae-in đã nhiều lần bóng gió nói về khả năng thực thi tầm nhìn của ông và đề nghị người đứng đầu Nhà Trắng tận dụng Hàn Quốc như sự khích lệ hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Donald Trump thậm chí còn không thể giúp ích được gì và việc Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt đã phá hoại mọi cơ hội cho các dự án hợp tác liên Triều.

Trang web chuyên theo dõi lộ trình máy bay Aircraft Spots ngày 22-12 đưa tin, Không quân Mỹ đã điều động máy bay do thám RC-135W Rivet Joint bay qua bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh gia tăng căng thẳng và nhiều khả năng Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Nguồn SGGP