Cơ giới hóa đồng bộ hướng đến chuỗi liên kết sản xuất
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 cho thấy, lĩnh vực trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; thuỷ sản đạt 90%… Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cùng các tổ chức trong và ngoài nước; lãnh đạo các tỉnh Đồng bắng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các thiết bị bay đảm nhận khâu gieo sạ, bón phân trên đồng lúa ngày càng nhiều ở ĐBSCL
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trong những năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2 – 3% năm.
Đến năm 2021 có khoảng 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gần 19.000 HTX nông nghiệp; xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2010 đạt 15,26 tỷ USD đã tăng lên 48,6 tỷ USD năm 2021.
Trong giai đoạn 2011 -2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%… Trong đó, cơ giới hóa sản xuất lúa giai đoạn 2008 – 2021: khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo sạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%…
Thời gian qua cơ giới hóa đồng bộ và chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như: Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu (làm đất, nước, thức ăn) và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực (lúa, mía, cà phê, gia súc, gia cầm, tôm) nhưng chưa đồng bộ. Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy. Đa số vẫn được nhập khẩu từ các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp; chưa tạo ra tác động tích cực do thiếu chế tài bắt buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận và để xuất các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nhanh chóng chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Mục tiêu của cơ giới hoá đồng bộ đến năm 2030 theo hướng, trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thuỷ sản đạt 90%… Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới. Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ về Nghị định cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.