Có nên dùng sản phẩm tạo hương thơm?

      Tạo hương thơm cho nhà, phòng làm việc đã trở thành nhu cầu và xu hướng trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm, con người thường xuyên bị stress. Vì thế nên dù những sản phẩm tạo mùi có giá bán khá đắt nhưng nhiều người vẫn đua nhau mua về dùng, không hay biết chúng có thể gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm.

1.001 sản phẩm tạo mùi thơm

Đầu tiên, có thể kể đến nến thơm, là dòng sản phẩm đa dạng và phong phú về kiểu dáng nhất, có đến hàng trăm loại khác nhau. Theo chị Minh, chủ shop Lĩnh Nam (TP.HCM), nước hoa có mùi gì nến thơm có mùi đó. Tiếp theo là túi thơm, gồm những cánh hoa khô được tẩm thêm hương rồi cho vào chiếc túi có nhiều lỗ thông hơi để tỏa hương thơm, dùng trong phòng tắm, phòng ngủ, tủ quần áo, ngăn kéo… Rồi đến các loại tinh dầu thơm, hương xịt phòng, quạt tỏa hương thơm… Thậm chí, ngay cả USB cũng tỏa hương!

 
Ảnh: shutterstock 

Giá bán của các sản phẩm tạo mùi hương dễ chịu này cũng đa dạng như các dòng sản phẩm, từ vài chục ngàn đến mấy trăm ngàn đồng/sản phẩm. Theo ghi nhận của chúng tôi, sản phẩm nào cũng có khách hàng, được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Thế nhưng…

Chuyên gia khuyên không nên dùng

Thạc sĩ Nguyễn Việt Phương, Chủ tịch Hội Hóa sinh dinh dưỡng Việt Nam cho biết việc sử dụng các loại sáp thơm, hương thơm, thậm chí nước hoa xịt phòng, nến thơm, tinh dầu… trong nhà có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe. Cụ thể là có thể gây ung thư, dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, khó thở, hen suyễn… Đa số những loại tạo hương thơm hiện nay đều có nguồn gốc từ dầu mỏ chứ không phải là hương liệu thiên nhiên như trước kia. Về nguyên lý hóa học, những mùi thơm trên được tạo thành bởi những vòng benzene, vòng thơm này khi phát tán có thể có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào. Ngoài ra, khi đốt cháy, những chất hóa học có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp. Còn với những loại sáp thơm, nước xịt phòng thì có thể mùi thơm đó gây kích thích cơn hen, dị ứng mùi. Với những gia đình có trẻ nhỏ, mùi hương thơm còn dễ dàng đi qua đường hô hấp, thấm qua da, dễ gây nhiễm độc  từ từ khiến cha mẹ khó lòng phát hiện trong thời gian ngắn.

Riêng về nhang đốt, thạc sĩ Nguyễn Việt Phương cảnh báo không nên đốt nhang khi đóng kín cửa vì khói của nhang độc chẳng kém gì khói thuốc lá! Để làm ra một que nhang, người ta đã ngâm hóa chất, cuốn bột bùn gồm gỗ xay nhỏ, hóa chất làm thơm (ngày trước dùng bột gỗ trầm nhưng do khan hiếm và giá thành cao nên hiện giờ hầu hết nhang được làm bằng nguyên liệu hóa học tổng hợp). Khói nhang có chứa các hoạt chất độc hại, chất đốt và các hợp chất hữu cơ như benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons có nguy cơ làm hại đến sức khỏe.

Thạc sĩ Phương còn chia sẻ thêm, tác hại của việc sử dụng hương thơm nhiều khi không xảy ra nhanh mà có tác động trong một thời gian dài. Đến khi “tích” đủ lượng, chỉ cần thêm một lượng nhỏ nữa có thể gây ra sự tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Việc các gia đình hiện nay sử dụng tràn lan đủ các loại hương thơm từ sáp thơm, xịt phòng, nước xả vải, nến thơm… là do môi trường xung quanh ô nhiễm, người ta thích mùi hương để cảm thấy thư thái, thoải mái. Hơn thế, hương liệu thường ít bị kiểm soát gắt gao như thuốc. Thành phần hóa học nhiều khi được quyền giấu để bảo đảm bí mật của công ty trước đối thủ cạnh tranh.

Vì vậy, để tự giữ gìn sức khỏe của gia đình và bản thân mình, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hương liệu làm thơm trong nhà. Không nên ở trong phòng kín và hít quá nhiều mùi thơm. Nên thay thế dần các loại hương liệu tổng hợp bằng hương thơm tự nhiên, trồng thêm cây cỏ có hương trong nhà cũng là cách tốt giúp bạn thư thái, an toàn với sức khỏe.