Có thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách “Cánh Diều”?
Sau khi tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều được hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TPHCM công bố và lấy ý kiến rộng rãi, dư luận tiếp tục bày tỏ chưa đồng tình với cách chỉnh sửa, hiệu đính, hướng dẫn… Vậy liệu cách sửa trên có được tiếp tục hay sẽ phải tính đến tình huống thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 trên? Dư luận đang chờ câu trả lời từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Sửa bao nhiêu là đủ?
Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều dài 12 trang giấy, trong đó nội dung chia làm 2 phần. Phần thứ nhất giới thiệu một số ngữ liệu bài đọc để giáo viên sử dụng thay thế các bài đọc bị cho là chưa phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh lớp 1 trong SGK. Phần thứ hai hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ có âm đọc “trúc trắc”, ngữ nghĩa khó hiểu trong các bài đọc theo hướng thay thế bằng từ đơn giản, giúp học sinh dễ hiểu bài hơn.
Cô T.T., giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, hàng loạt từ ngữ được cho là khó hiểu như tiếng quạ kêu “quà… quà” đã được chỉnh sửa thành “quạ… quạ”, hay từ “cuỗm” trong câu “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” được thay bằng từ mới dễ hiểu hơn là “tha”… Tuy nhiên, từ “chả” vẫn không được sửa dù từ này không phù hợp với ngôn ngữ viết hiện đại của học sinh.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Tiếng Việt và Ngữ văn quốc gia năm 2018, quá trình biên soạn và phát hành một bộ sách khó tránh bị mắc lỗi, đặc biệt đối với các môn xã hội với đặc trưng rất nhạy cảm, nội dung giáo dục gắn với đạo đức, tư tưởng chính trị, xã hội. Cùng một vấn đề, một văn bản nhưng sẽ có người nói tốt, người nói không phù hợp. Trước thực tế đó, quan điểm được nhiều người đồng tình là không có ngữ liệu nào phù hợp chung cho tất cả học sinh trên cả nước vì mỗi vùng miền có đặc trưng riêng về văn hóa, mỗi trường học có điều kiện dạy học khác nhau, chưa kể khả năng tiếp nhận kiến thức không đồng đều giữa những người học.
Thu hồi SGK: Phải có kết luận chuyên môn!
Liên quan đến việc chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: “Bây giờ chúng ta tiếp cận SGK khác trước đây. Trước đây dạy và học phải theo đúng SGK, SGK cũng là căn cứ duy nhất để dạy và học. Nhưng với chương trình giáo dục phổ thông mới thì chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo, là lựa chọn để thầy và trò các cơ sở giáo dục dạy và học. Do đó, chúng ta cần tiếp cận SGK với tâm thế đó. SGK trước đây là 1 cuốn duy nhất, dùng cho tất cả, còn bây giờ SGK lớp 1 có tới 5 cuốn, mỗi cuốn thể hiện bản sắc riêng của tác giả, giáo viên được quyền lựa chọn”.
Theo GS Đào Trọng Thi, không riêng SGK mà tất cả các loại sách đều đã được quy định rõ trong Luật Xuất bản. Có những nội dung có thể đính chính, sửa chữa ngay, nhưng cũng có những nội dung đến khi tái bản sẽ sửa chữa, SGK thì tái bản hàng năm nên có những sửa chữa có thể đưa vào lúc tái bản.
“Còn có những thứ sai phải sửa ngay, phải khắc phục ngay, tức là có thể thu hồi. Thu hồi hay không cũng phải theo Luật Xuất bản. Vì không có khái niệm riêng về thu hồi cho SGK. Theo quy định, nếu ấn phẩm nào phải thu hồi thì mới bị thu hồi”, GS Đào Trọng Thi cho biết.
Do đó, phải đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều đang sai ở mức nào, phải làm một cách nghiêm túc, khoa học, chứ không thể nói theo cảm tính được.
“Bộ GD-ĐT đang xem xét phương án chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều, sẽ lập hội đồng thẩm định, tức là đang khá đúng quy trình, dù hơi chậm. Bởi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ quyết định phê duyệt SGK trên cơ sở thẩm định của hội đồng thẩm định. Chúng ta cần bình tĩnh chờ xem Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án nào đối với việc chỉnh sửa bộ sách SGK Cánh Diều”.GS ĐÀO TRỌNG THI – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.