Cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ đưa vào sử dụng vào mùa khô 2023 – 2024

(THTG) Là công trình cống ngăn mặn trọng điểm nằm trên tuyến thủy lợi huyết mạch của tỉnh Tiền Giang, hiện cống âu Nguyễn Tấn Thành đang tập trung thi công cả ngày lẫn đêm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là mặc dù đang trong quá trình thi công nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng phương án ngăn mặn, trữ ngọt, nhằm góp sức cùng tỉnh ứng phó thành công với xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 dự kiến diễn biến xấp xỉ mùa mặn 2015-2016.

Cống âu ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành đã đạt khoảng 60% khối lượng, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Minh nguyên

Cống âu ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 10 làm chủ đầu tư và do liên danh Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam – Ticco Tiền Giang thi công. Sau 13 tháng thi công, đến nay công trình đạt khoảng 60% khối lượng, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch. Hiện công trình đã hoàn thành 2 trụ pin, bờ kè phía Đông, một phần âu thuyền và đang tiếp tục tập trung tối đa nguồn nhân lực, vật lực kết hợp với tăng cường quản lí, điều hành tại công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công trụ tháp vận hành, mang cống, nhà điều hành, phần bờ kè còn lại và các hạng mục phụ khác với mục tiêu đưa công trình vào vận hành sớm nhất có thể.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư hơn 580 tỉ đồng, là công trình ngăn mặn hiện đại và có quy mô lớn nhất tỉnh từ trước đến giờ và là niềm kỳ vọng của nhân dân về một giải pháp phòng chống hạn mặn triệt để, bền vững, nhất là không còn tình trạng phải đắp đập tạm như trước đây. Đặc biệt là phần cống có kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều rộng thông nước 40 mét, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực và phần âu thuyền dài 150 mét, cửa thông nước 12 mét. Hiện mặc dù đang trong quá trình thi công, nhưng từ yêu cầu của tỉnh, đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mùa mặn 2024 tới đây.

Theo kế hoạch, đến tháng 7 năm 2024 công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác, nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho diện tích gần 100.000 ha và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Như vậy, cùng với 6 cống ngăn mặn tại các đầu kinh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 vừa mới hoàn thành thì cống âu này là cống thứ 7 sẽ tạo nên hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường khép kín, thể hiện sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ có hiệu quả sản xuất và dân sinh cho nhân dân./

Kim Nữ