Công bằng cho mỹ thuật Việt

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Úc Kerry Nguyễn – Long vừa ra mắt cuốn sách Arts of Vietnam 1009 – 1945. Qua đó, bà muốn xóa đi những thành kiến về mỹ thuật Việt.

Có lần Kerry Nguyễn – Long cầm trên tay cuốn cẩm nang của một bảo tàng uy tín, chỉ vài dòng ngắn ngủi về nghệ thuật Việt Nam trong đó. Cả nền mỹ thuật chỉ được giới thiệu rất ngắn với gốm hoa lam, lại có nguồn gốc từ thợ gốm phương Bắc, có nghĩa là Trung Quốc. Lần chạm trán khác với một nhà quản lý bảo tàng nước ngoài cũng mang đến cho bà một dư vị buồn không kém. Nhập kho từ năm 1927, cả ngàn hiện vật Việt Nam tại bảo tàng này tới nay vẫn chưa được trưng bày. Nhóm hiện vật Việt chỉ để dùng đối chiếu với sưu tập gốm Trung Quốc họ từng khai quật. Thậm chí, cư dân Việt còn được khắc họa như đang mong chờ người Hoa tiên phong đến để bắt chước mỹ thuật Trung Quốc. “Những cuộc chạm trán như vậy khiến tôi phải đặt bút viết cuốn sách này. Tôi mong muốn có đóng góp cho một thảo luận công bằng hơn về nghệ thuật Việt Nam”, bà nói.

 Bà Kerry Nguyễn - Long trong buổi giới thiệu sách - Ảnh: Bình Châu
Bà Kerry Nguyễn – Long trong buổi giới thiệu sách – Ảnh: Bình Châu

Cuốn sách đã lấy đi 5 năm liên tục đi về, nghiên cứu của bà. Là một nhà nghiên cứu của Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật châu Á, bà cũng có nhiều bài nghiên cứu mỹ thuật Việt viết chung với các học giả trong nước. Chồng bà, ông Nguyễn Kim Long cũng đóng vai trò trợ giúp nghiên cứu.

Chính nhờ thế, trong cuốn sách, có thể gặp nhiều hình ảnh khá quen thuộc với các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật. Những con thú đá ở chùa Phật Tích. Những vật liệu kiến trúc đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long – trong đó có chiếc đầu rồng lớn gần như đã trở thành biểu tượng mỗi khi nhắc tới di sản này. Đặc biệt, có rất nhiều tư liệu ảnh về hiện vật gốm – một thế mạnh trong nghiên cứu mỹ thuật Việt của bà.

 Gốm hoa nâu cũng là một thành tựu của mỹ thuật Việt Nam
Gốm hoa nâu cũng là một thành tựu của mỹ thuật Việt Nam 1
Gốm hoa nâu cũng là một thành tựu của mỹ thuật Việt Nam

“Quá trình nghiên cứu tại Philippines, tham khảo hiện vật bảo tàng tại đây đã giúp bà Kerry Nguyễn – Long có nhiều cơ hội tiếp xúc với gốm”, TS Trần Đoàn Lâm – Giám đốc kiêm Chủ biên Nhà xuất bản Thế giới, cho biết. Vì thế, việc phân tích những nét tạo dáng, màu men khác biệt giữa gốm Việt với gốm Trung Hoa cũng là điều bà Kerry thực hiện trong cuốn sách. Những khác biệt của gốm qua từng thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng được bà nêu rõ.

Nhờ thế, qua cuốn sách, người đọc có thể hình dung sự uyển chuyển của gốm Việt. Cũng là gốm hoa lam nhưng khác hẳn với Trung Hoa, gốm Việt Nam có lối vẽ phóng bút trên các lọ hoa, chân đèn. Chất đất, màu men, phong cách khiến gốm Việt có nét duyên dáng và phần nào vượt qua sự “đóng khung” trong các tích cổ mà gốm trắng hoa xanh Trung Quốc vẫn mang. Người xem cũng được biết vì sao gốm hoa lam từ thế kỷ 19 trở đi không rực rỡ thành tựu như trước. Đó là do lối vẽ tay thành tục đã nhường bước cho lối in hoa.

Phân kỳ qua các chương, cùng với kiến thức về mỗi triều đại đã khiến cuốn sách dễ hiểu hơn với người đọc. Chẳng hạn, với màu men đặc trưng, gốm Mạc khó tìm thấy nguyên vẹn vì thời đại này ngắn và nhiều binh lửa. Tác phẩm gồm 300 bức ảnh minh họa và 11 chương đưa người đọc qua thời gian, không gian như vậy. Ngay cả ảnh hưởng của văn hóa Pháp cũng được phân tích tại đây. Theo đó, tuy có làn gió của nghệ thuật Pháp, các nghệ sĩ Việt vẫn tiếp tục giữ được hơi thở tâm hồn Việt. Những bức tranh thời kỳ đầu trường mỹ thuật cho thấy rõ điều đó. Đáng tiếc, theo ông Lâm, lượng tư liệu ảnh đã bị bớt lại phần nào do cuốn sách quá dày.