Công dụng của lá sen
Cây sen là vừa là thức ăn vừa là thuốc. Khi nói đến tác dụng làm thuốc của cây sen, hầu hết mọi người thường chỉ nghĩ đến tâm sen, hạt sen, bát, tua sen, ngó sen… mà ít ai nói đến lá. Thực tế, lá sen có rất nhiều công dụng mà có thể bạn không biết.
Thầy thuốc đông y Nguyễn Xuân Hướng cho biết, trong Đông y truyền thống, lá sen có vị đắng chat, tính bình. Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, hiện nay lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật. Theo các chuyên gia, những người cao tuổi cơ thể đã suy yếu, động mạch não đã bị xơ cứng, hoặc từng bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, nên thường xuyên sử dụng lá sen.
Ảnh minh họa. |
Dưới đây là một số công dụng của lá sen:
– Chống mất nước: Đối với những người bị tiêu chảy vừa khỏi, cơ thể đang bị thiếu nước. Lấy lá sen non (loại lá còn cuộn lại chưa mở càng tốt) rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày. Hoặc thái nhỏ, trộn với các loại rau ghém, ăn sống hằng ngày.
– Trị máu hôi sau khi sinh: Lá sen sao thơm (hay lá sen khô) 20-30 g, tán nhỏ, uống với nước, hoặc sắc với 200 ml nước còn 50 ml uống một lần trong ngày.
– Chứng mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 30 g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sắc (hoặc hãm nước sôi) để uống, có tác dụng còn lớn hơn tim sen.
– Chữa sốt xuất huyết: Lá sen 40 g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40 g, rau má 30 g, hạt mã đề 20 g, sắc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều, có thể tăng liều của lá và ngó sen lên 50-60 g.
– Chảy máu cam, tiêu chảy ra máu: Lá sen 40 g để sống, rau má 12 g sao vàng, thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.
– Ho, nôn ra máu: Lá sen, ngó sen, sinh địa (mỗi vị 30 g), trắc bá, ngải cứu (mỗi vị 20 g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.
– Chữa đau mắt: Lá sen, hoa hòe (mỗi vị 10 g), cúc hoa vàng 4 g, sắc uống còn chữa cao huyết áp.
– Trị mụn nhọt: Dùng ngoài, núm cuống lá sen nấu nước đặt để rửa, rồi lấy lá sen rửa sạch, giã nát với cơm nếp, đắp làm tan mụn nhọt.
– Ngăn ngừa béo phì: Lá sen tươi 1 lá, gạo tẻ 100g, đem nấu cháo dùng với đường trắng, cũng có thể gia thêm đậu xanh để tăng sức thanh nhiệt giải độc. Nếu không có lá sen tươi, có thể dùng lá sen khô, nhưng trước khi dùng phải ngâm cho mềm. Hoặc mỗi ngày uống trà lá sen.
Ngoài ra, lá sen đem hãm nước sôi, uống thay trà trong những ngày hè oi bức để chống nóng, giải nhiệt, làm dịu mát, đỡ khát.
Tác dụng phụ của lá sen
ThS. BS. Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ nhiệm bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Bác sĩ Hằng cho biết,trong y học lá sen có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, có tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết. Lá sen được sử dụng làm dược liệu phải là lá màu lục, còn nguyên lá, không bị sâu, không có vết thủng. Đông y sử dụng lá sen làm thuốc an thần, chữa mất ngủ, chữa sốt, miệng khô khát.
Trong đông y, lá sen được xác định là tính mát, bình, không động nhưng nếu dùng quá liều hoặc tùy tiện thì nó cũng có thể trở thành chất gây hại cơ thể. Bệnh nhân ngộ độc vì dùng lá sen có thể gặp các triệu chứng như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, hoảng hốt, da xanh xao, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, tim đập chậm, không đều, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Ngoài ra, chính tác dụng thanh nhiệt trong lá sen dễ làm cho người thể hàn bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều.
Do vậy, theo khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với sản phẩm chức năng được bào chế từ lá sen, chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết, tránh tùy tiện và luôn cảnh giác bởi nguy cơ dị ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trước khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thực phẩm chức năng nào bạn đang dùng hoặc có ý định dùng nó để chữa bệnh.
Nguồn Vnmedia
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.