Công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng trung kiên Nguyễn Công Bình

(THTG) Ngày 22/6/2014, đồng chí Nguyễn Công Bình đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng mãi mãi những thành quả mà đồng chí đóng góp trong suốt 65 năm theo Đảng, làm cách mạng của đồng chí  thì vẫn còn đó, vẫn hiện diện trong từng bước phát triển đi lên của tỉnh Tiền Giang hôm nay.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Hoà xã Bình Phú huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang, lúc nhỏ chứng kiến cha mẹ sống kiếp tá điền, với cảnh trâu cày ngựa cưỡi,  dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, người thiếu niên Nguyễn Văn Mè vốn đã nuôi khát khao được làm chủ mãnh vườn, thửa ruộng để chính mình được làm ra hạt lúa, hưởng những quả ngọt do chính công sức mồ hôi của chính mình, nhưng hồi đó trong tay không một tấc đất cắm dùi, kiếp tá điền chịu muôn phần đắng cay, nên đành ngậm bồ hòn.

02

 

Từ khi có Bác có Đảng, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đã có chung một ngọn cờ. Mười bốn tuổi, ông được các đồng chí  trong chi bộ Đảng địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc đưa thư. Rồi 17-18 tuổi, ông được tổ chức phân công, tập hợp thanh niên vào đội võ trang tham gia khởi nghĩa Nam kỳ. Từ công việc giản đơn buổi đầu đến suốt quá trình 70 năm phục vụ cách mạng, ông Nguyễn Công Bình trãi qua nhiều vị trí nhiệm vụ khác nhau: từ phó bí thư, rồi bí thư chi bộ xã Bình Phú, huyện uỷ viên phụ trách võ trang huyện Cai lậy, rồi uỷ viên Ban an ninh tỉnh Mỹ tho, uỷ viên ban An Ninh khu 8, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng là phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều nhiệm kỳ.

Xuyên suốt chặng đường 30 năm kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, không đếm được bao nhiêu lần ông phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, không thể kể hết những khó khăn gian khổ mà ông đã trãi qua khắp các chiến trường Mỹ Tho, Đồng tháp Mười, Chiến khu D…

Miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất, ông lại có mặt trong Ủy ban Quân quản, lãnh đạo các công việc tiếp quản ổn định chính quyền, lập lại trật tự, củng cố ổn định đời sống nhân dân. Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, ông vừa là đại biểu Quốc Hội, cũng đồng thời lần lượt được đảng bộ Tiền Giang giao giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh  liên tục nhiều nhiệm kỳ.

Trên mặt trận mới này, ông đã cùng với các đồng chí  trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy khảo sát hầu hết các địa phương, nắm lại tình hình đất đai để có bước qui hoạch, trồng cây lương thực đáp ứng cho mục tiêu khôi phục kinh tế, giải quyết nạn đói. Một năm sau giải phóng, phần lớn diện tích bỏ hoang được nhân dân đưa vào sản xuất, cây lúa được chú trọng, vườn tạp từng bước được đẩy lùi. Bằng các công trình thủy lợi nội đồng được phát động và huy động sức dân giải phóng phèn mặn hàng ngàn héc ta thuộc phía Bắc các huyện Cai Lậy – Cái Bè, năng xuất lúa những năm 1978-1979- rồi đến 1980 đạt đến 20-25 giạ một công, ở thời điểm ấy, đối với những vùng đất ven Đồng Tháp Mười quả là một con số làm nứt lòng nông dân.

Cũng vào thời điểm sau giải phóng, ý tưởng về hai dự án lớn khai hoang Đồng Tháp Mười, và ngọt hóa Gò Công cũng đã được tỉnh ủy nghiên cứu, được các đồng chí  lãnh đạo trung ương mà đứng đầu là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm. Đến thập niên 90, hai dự án trên lần lượt được xây dựng vận hành, đem lại hiệu quả. Lúc ấy tuy hưởng chính sách nghỉ hưu, nhưng thành quả ấy phải kể đến thế hệ tiên phong của những người như ông Sáu Bình. Thăm lại vùng dự án ngọt hóa, ông mừng mừng tủi tủi trước bao kỷ niệm của một thời gian khó, một thời trồng cây để giải quyết cái đói sau chiến tranh, giờ thăm lại những cánh đồng vùng ngọt hóa, cây lúa hôm nay không còn là cây lúa lương thực mà đã là lúa cao sản, lúa có chất lượng thương hiệu xuất khẩu.

Còn vùng Nam lộ Cái Bè, rồi Cai Lậy quê ông giờ đây cây trái đã trở thành đặc sản vươn đến thương hiệu với cam sành, sầu riêng. Vùng Vĩnh Kim có vú sữa Lò rèn . Vùng ngọt hóa Gò Công có sơ ri, thanh long…Đó là thời kỳ mà ông cùng đồng chí đồng đội bàn cách trồng cây xóa đói giảm nghèo, trồng cây để phát triển kinh tế cho tỉnh nhà.

Quan điểm sống, phương pháp làm cách mạng của ông cũng rất đơn giản tự nhiên, gần gũi mà trung thực, có lý có tình, nhưng đúng nguyên tắc – đó là nguyên tắc gần dân, lắng nghe tiếp thu ý kiến của dân để có hướng đi và việc làm đem lại lợi ích cho nhân dân.

Hơn 90 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, không thống kê những thành tích, huân, huy chương, mà Đảng và Nhà nước trao tặng, ông chỉ nuôi ước muốn là trồng cây lưu niệm những vùng căn cứ kháng chiến, vừa là một sự ghi nhớ trả nghĩa đối với đồng bào, vừa là một sự cổ vũ cho thế hệ trẻ thấm nhuần truyền thống cách mạng của địa phương mà trao dồi phẩm chất, đáp ứng nhiệm vụ trên mặt trận mới giai đoạn hiện nay.

Với tâm niệm làm cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí  Nguyễn công Bình mãi mãi là tấm gương sáng để Đảng bộ, quân dân Tiền Giang tiếp nối kế thừa xứng đáng những gì mà đồng chí  từng mong mỏi, tâm huyết, biến nó thành hiện thực trên bước đường xây dựng phát triển tỉnh Tiền Giang trong tương lai.

Văn Phấn