Công tác phòng chống hạn mặn và an ninh trật tự được chất vấn nhiều nhất tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh
(THTG) Ngày 10-7, kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX bước sang ngày làm việc thứ 3, với phần thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn. Ông Nguyễn Văn Danh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang trực tiếp điều hành và nêu cụ thể từng nội dung quan tâm của cử tri, cũng như của đại biểu và yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành chức năng giải trình.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 3 kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX với phiên thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phan Quyền
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cử tri và đại biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng, chống hạn mặn thời gian qua, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp nhiều giải pháp nên đã giảm được nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng công tác phòng, chống hạn, mặn vừa qua cũng còn một số hạn chế như: công tác dự báo chưa kịp thời, một số địa phương chưa chủ động nên nhiều khu vực đã bị nước mặn xâm nhập sâu trước khi ngăn đập, đóng cống; việc ngăn mặn khu vực này làm ảnh hưởng đến khu vực khác; tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ còn xảy ra ở một số địa phương; giải pháp hỗ trợ nước tưới cho cây trái, nước sinh hoạt được đánh giá cao, nhưng cũng có đại biểu cho rằng chưa thật sự hiệu quả, nguồn nước hỗ trợ tưới cây chưa được kiểm tra độ mặn chặt chẽ, nên có khả năng gây nhiễm mặn làm cây chết. Hiện một số hộ nông dân bị thiệt hại trong vùng hạn, mặn chưa biết giải pháp khắc phục đất nhiễm mặn, không biết phải trồng lại cây gì để phát triển sản xuất đúng hướng và ổn định, rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các ngành chức năng cấp tỉnh, huyện.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám Sở NN & PTNT báo cáo về công tác ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2019 – 2020. Ảnh: Phan Quyền
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 rất phức tạp, được xem là mặn lịch sử. Trước tình hình này, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nên đã giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, cụ thể:
Đối với vụ lúa Đông Xuân 2019 – 2020: Tổng diện tích thiệt hại là 8.568 hecta, trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 4.057 hecta; thiệt hại hơn 70% là 4.511 hecta.
Đối với diện tích rau màu các loại: Tổng diện tích thiệt hại là 810 hecta. trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 354 hecta và thiệt hại trên 70% là 456 hecta.
Trên cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hiện có khoảng 80.157 hecta, trong đó có 14.870 hecta sầu riêng. Qua thống kê, đã có 5.343 hecta bị ảnh hưởng, trong đó có 4.459 hecta cây sầu riêng, tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 922 hecta và tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 3.537 hecta.
Lãnh đạo tỉnh trong một lần kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2019 – 2020. Ảnh: Lê Thi
UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tiến hành đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra quy trình 5 bước để hướng dẫn người dân khôi phục vườn sầu riêng bị ảnh hưởng, tiến hành tháo rửa mặn và bón vôi, phân hữu cơ, kích thích ra rễ… Hiện nay, các vườn ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) cây bắt đầu ra lá và phục hồi lại và các vườn bị ảnh hưởng mức trung bình (từ 30% đến 50%) cây bắt đầu ra lá…
Đối với nước sinh hoạt: Thực hiện các phương án đã đề ra, cùng với các công trình khác như khoan giếng, xây dựng tuyến ống chuyển tải, kết hợp với mở vòi nước công cộng, vận chuyển nước ngọt bằng sà lan… nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trong mùa khô 2020 đã có 29.988 hộ dân ở các huyện phía Đông của tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã sử dụng từ nguồn nước máy tập trung, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước, do các hộ dân đầu nguồn sử dụng nước không đúng mục đích, dẫn đến tình trạng cuối nguồn không đủ nước.
Đối với vận chuyển nước tưới cây ăn trái: Để đảm bảo nước ngọt tưới cho cây ăn trái, tỉnh đã xây dựng và thực hiện các phương án vận chuyển nước ngọt cấp cho người dân. Tổng lượng nước đã vận chuyển hơn 877.000 m3, cấp cho 26.059 hộ, qua đó đã góp phần hạn chế thiệt hại cây trồng do ảnh hưởng của hạn, mặn.
Ông Phạm Văn Trọng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về giải pháp và kết quả của tình trạng phân lô, bán nền trái quy định. Ảnh: Phan Quyền
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, theo ông Phạm Văn Trọng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, qua thực hiện các giải pháp, đến nay đã kịp thời ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái quy định. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện công tác phối hợp lập dự án phân lô bán nền, từ đó giải quyết được nhu cầu nhà ở của Nhân dân theo đúng qui định của pháp luật.
Đại biểu nêu ý kiến chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Phan Quyền
Nội dung được đại biểu đặt vấn đề giải trình, cũng như chất vấn nhiều nhất là trách nhiệm của ngành công an trong việc quản lý chất thải môi trường, tệ nạn đá gà và tội phạm trật tự xã hội tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế phương tiện giao thông lưu thông do dịch Covid – 19, thực hiện kế hoạch tấn công tội phạm, có tuần tra kiểm soát, có thực hiện công tác tuyên truyền và có thực hiện tháng an toàn giao thông… nhưng số vụ tội phạm trật tự xã hội tăng rất cao (tăng 56%); tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí.
Đại tá Nguyễn Văn Tảo – Phó giám đốc Công an Tiền Giang giải trình ý kiến chất vấn của đại biểu và cử tri. Ảnh: Phan Quyền
Giải trình ý kiến chất vấn của cử tri và đại biểu, Đại tá Nguyễn Văn Tảo – Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng, tình hình tội phạm gia tăng không phải do buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác Công an, mà trái lại Công an Tiền Giang đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp phòng ngừa, tấn công tội phạm và vi phạm pháp luật (đã mở 02 cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có sự tăng cường lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an); đồng thời ngành đã tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề về xử lý các băng, nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đâm, đánh nhau, gấy rối trật tự công cộng… Qua đó, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều vụ tội phạm và vi phạm pháp luật và vi phạm an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn.
Sau phần giải trình của ngành công an, các đại biểu đã chia sẻ những bất cập của các luật trong xử lý tội phạm hiện nay. Tuy nhiên các đại biểu cũng nêu: Ngành công an đừng để cử tri có những dư luận không hay về công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu giải pháp kiến nghị đại biểu quốc hội trình quốc hội bổ sung và sửa chữa luật trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Phan Quyền
Bên cạnh phần giải trình của các ngành, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp và nêu một số giải pháp trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Danh – Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Phan Quyền
Nhận xét các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần 12, ông Nguyễn Văn Danh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, đề nghị giải trình, chất vấn với các nội dung đang được dư luận xã hội quan tâm. HĐND tỉnh cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành giải trình, trả lời chất vấn có chất lượng, đã đề ra các giải pháp, khắc phục những tồn tại mà đại biểu đặt ra, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền…
Thanh Thảo
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.