Công trình cầu Hàm Luông đem lại giải pháp công nghệ mới trong thiết kế thi công xây dựng
Với công nghệ mới phức tạp, nhịp đúc hẫng cân bằng 150m lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, cầu Hàm Luông (Bến Tre) hiện là cây cầu đúc hẫng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam do đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong nước thực hiện. Công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt 5 do Bộ KH&CN tổ chức giữa tháng 1/2017.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc quản lý dự án, Ban Quản lý dự án 7 vinh dự nhận Bằng khen do Chủ tịch nước
Trần Đại Quang trao tặng tại Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN tối 15/1/2017. Ảnh: BL
Cầu Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông, nối TP Bến Tre với huyện Mỏ Cày Nam, do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Cầu được khởi công vào ngày 1/4/2007, đã cho thông xe vào ngày 30/4/2010.
Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, công trình cầu Hàm Luông – QL60, tỉnh Bến Tre của tác giả ThS. Nguyễn Thanh Hà và 11 cộng sự có giá trị cao về mặt khoa học và công nghệ vì đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới tiêu biểu. Đây là cây cầu có nhiều cái nhất trong quá trình thi công. Đầu tiên là về giải phóng mặt bằng, chỉ thực hiện trong thời gian 4 tháng đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công. Điều này đã thể hiện tính quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong công tác xây dựng hạ tầng cho tỉnh Bến Tre.
Về công nghệ, cầu được áp dụng công nghệ thi công nhịp đúc hẫng cân bằng lớn nhất ở Việt Nam, lần đầu tiên do các đơn vị trong nước thực hiện thành công. Cầu đạt kỷ lục về tiến độ thi công vượt tiến độ đề xuất 2 tháng. Để đảm bảo chất lượng và tiến độ, nhà thầu và các đơn vị giám sát, đại diện chủ đầu tư đã thi công trong ba ca liên tục dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Với hệ thống nhiều sông, đồng bằng sông Cửu Long được coi là khu vực có nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường thủy rất lớn. Vì vậy đòi hỏi các công trình vượt sông phải đảm bảo khẩu độ nhịp thông thuyền lớn. Với các phương án thiết kế cầu dạng kết cấu dây văng, dây võng sẽ đáp ứng yêu cầu này, tuy nhiên giá thành xây dựng công trình cao, thời gian thi công dài. Vì vậy, việc áp dụng thành công kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng khẩu độ nhịp L=150m đã giải quyết được các yêu cầu này với giá thành phù hợp.
Trên cơ sở kinh nghiệm thiết kế, thi công và kiểm soát chất lượng tại dự án cầu Hàm Luông đã được nhân ra một số công trình lớn như cầu Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam); cầu Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre – Trà Vinh), tới đây sẽ thực hiện tiếp tại cầu Đại Ngãi 2 (tỉnh Trà Vinh – Sóc Trăng) và một số dự án lớn khác trong cả nước đã khẳng định tính hiệu quả của công nghệ.
Nói về công trình Cầu Hàm Luông, ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc quản lý dự án, Ban Quản lý dự án 7 – Bộ Giao thông vận tải cho biết, để hoàn thành cây cầu này, nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật ngành Giao thông vận tải đã phải trải qua nhiều gian khó, ngâm mình trong bùn lầy nhiều ngày để khảo sát, lên phương án xây dựng. So với các phương án thiết kế cầu dạng kết cấu dây văng, dây võng, phương án thiết kế cầu đúc hẫng cân bằng tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Cây cầu này bảo đảm được chất lượng, cũng như mỹ quan, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực.
Kế thừa những thành tựu từ cầu Hàm Luông, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ công nhân và kỹ thuật chuyên thiết kế và thi công hệ thống cáp dự ứng lực ngoài cho các công trình cầu nói riêng cũng như các công trình có yêu cầu phải vượt khẩu độ lớn, trong đó có các công trình giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Chúng tôi cũng đã kiểm soát độ vồng cầu bằng hệ thống quan trắc, kiểm tra tính toán theo thực tế và xây dựng quy trình công nghệ thi công. Những đề xuất biện pháp kiểm soát chất lượng thi công nêu trên cho phép sử dụng hợp lý thiết bị sẵn có của nhà thầu trong nước và khai thác có hiệu quả những kinh nghiệm thi công các công trình tương tự”, ông Nguyễn Thái Hà cho hay.
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, việc công trình cầu Hàm Luông được trao tặng giải thưởng cấp Nhà nước là sự ghi nhận những nỗ lực, kết quả nổi bật của các kỹ sư cầu đường đang tích cực đóng góp cho ngành giao thông vận tải về KH&CN nói riêng, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh khu vực, cũng như đất nước nói chung. Trước đó, công trình cầu Hàm Luông cũng được trao giải thưởng Cúp vàng xây dựng Việt Nam năm 2010, được trao tặng giải vàng sản phẩm tư vấn do Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam trao tặng năm 2011./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.