Công trình Nobel y học 2018 được áp dụng tại Việt Nam
CTLA4 và PD1 đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Cả hai kháng thể nói trên đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc chứa kháng thể này có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ của tế bào miễn dịch đặc hiệu, để tế bào này có thể tấn công tế bào ung thư.
GS.TS. Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, học trò của GS. Tasuku Honjo, cho Báo SK&ĐS biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư, từ phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, cho đến điều trị đích. Khoảng10 năm trở lại đây có thêm liệu pháp miễn dịch với nguyên lý là tăng cường sức đề kháng của hệ thống miễn dịch cơ thể với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh.
Ở người bình thường, trong một ngày có vài nghìn tế bào bất thường (tế bào tiền ung thư) được tạo ra. Khi cơ thể khoẻ mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện được các tế bào này, cô lập và tiêu diệt chúng. Nhưng khi cơ thể có sức đề kháng kém, tế bào bất thường không bị tiêu diệt hết sẽ khu trú ở cơ quan nào đó để phát triển thành khối ung thư.
Tại Việt Nam, với sự chuyển giao của chuyên gia Nhật Bản, từ đầu năm 2017, Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân theo cơ chế như đã nói ở trên, nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác, đó là tách tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi của bệnh nhân với số lượng tế bào khoảng vài triệu, sau đó tăng sinh và biệt hoá để được vài tỷ, rồi truyền lại cho bệnh nhân.
“Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư”, GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết. Mỗi liệu trình này được thực hiện 6 lần truyền trong 3 tháng, mỗi lần truyền cách nhau 2 tuần.
Đề tài khoa học này đã được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2017 và đang thử nghiệm lâm sàng ở 6 hình thái ung thư gồm thận, phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú.
Theo đánh giá của Trường ĐH Y Hà Nội, liệu pháp này giúp bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao. Thậm chí ở một số bệnh nhân rất nặng chất lượng cuộc sống cũng đã được cải thiện nhiều lần và chưa ghi nhận phản ứng phụ.
GS. Văn cho biết thêm, theo ước tính của các nhà khoa học Nhật Bản, khi áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, triệu chứng lâm sàng cải thiện tới 60%, chất lượng sống thay đổi rõ. Khoảng 3% bệnh nhân ung thư giai đoạn 3b và 4 khối di căn đã không phát triển.
Mặc dù đã làm chủ được hoàn toàn quy trình công nghệ giúp cho chi phí trung bình của mỗi ca điều trị ung thư theo liệu pháp miễn dịch tại Trường ĐH Y Hà Nội thấp hơn nhiều so với ở nước ngoài, nhưng hiện nay, do điều kiện giới hạn, mới chỉ thực hiện được cho 6-8 bệnh nhân một liệu trình, nên Trường chỉ ưu tiên các bệnh nhân ở giai đoạn 3b, giai đoạn 4.
GS.TS. Tạ Thành Văn mong muốn được thành lập trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tế bào với sự đầu tư bài bản về nhân lực và tài chính của Nhà nước để những thành tựu khoa học mới nhất được đến với những bệnh nhân Việt Nam.
|
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.