Covid-19: Tổng giám đốc WHO phản pháo Mỹ
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích Mỹ chính trị hóa đại dịch Covid-19 và khẳng định không thiên vị Trung Quốc.
“Chúng tôi gần gũi với mọi quốc gia, không thiên vị ai. Trọng tâm giờ đây của các nước là cứu người. Xin đừng chính trị hóa đại dịch này. Nếu bạn muốn bị lợi dụng và muốn thấy nhiều túi đựng xác hơn thì hãy làm điều đó. Còn nếu không thì hãy dừng lại” – ông Ghebreyesus nêu rõ.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Hãy đoàn kết ở cấp quốc gia, không sử dụng Covid-19 để ghi điểm chính trị. Hãy đoàn kết thực chất ở cấp độ toàn cầu, với sự lãnh đạo trung thực từ Mỹ và Trung Quốc”.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định không thiên vị Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo ông Ghebreyesus, thời điểm này Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác cùng nhau để “chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm này”. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO hy vọng Mỹ vẫn duy trì tài trợ cho WHO, cho biết tổ chức này sẽ đánh giá hiệu quả làm việc và rút ra bài học. Ông Ghebreyesus thừa nhận “WHO cũng có thể mắc lỗi như những người khác” và cũng đổ lỗi cho giới truyền thông về việc đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang,
Tuyên bố của ông được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump tấn công WHO trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ông Trump chỉ trích WHO về cách xử lý đại dịch, cảnh báo sẽ cắt ngân sách dành cho tổ chức này. Tại cuộc họp báo và trong các tweet, Trump đã cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi Trung Quốc ngay từ đầu khi bùng phát đại dịch, đánh giá cao những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc ngăn chặn Covid-19 tại nước này.
Xe cứu thương xếp hàng chờ tại bệnh viện dã chiến Samaritan’s Purse, đặt ở Công viên Trung tâm của TP New York. Ảnh: Reuters
Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng phản đối đe dọa rút tài trợ và lời kêu gọi tổng giám đốc WHO từ chức từ phía Mỹ. Nhiều người trong WHO lo ngại chiến dịch này sẽ làm hạ thấp uy tín của tổ chức một cách nguy hại giữa lúc nỗ lực chống dịch toàn cầu cần sự tham vấn quốc tế.
David Nabarro, đặc phái viên WHO về Covid-19, thừa nhận một số “tổ chức, chính phủ và cá nhân không tránh khỏi viễn cảnh phải chịu trách nhiệm về đợt bùng phát đại dịch”. Tuy nhiên, ông David Nabarro cho rằng điều này nên diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
Một phong chăm sóc tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Ý. Ảnh: Reuters
Theo CNBC, ông Ghebreyesus cho biết nhận không ít đe dọa và xúc phạm liên quan đến các hoạt động của WHO trong đại dịch Covid-19.
“Tôi có thể nói về các cuộc tấn công cá nhân đối với tôi đã diễn ra trong hơn 2-3 tháng qua. Những bình luận độc ác hay phân biệt chủng tộc về tôi, thậm chí sự đe dọa về an toàn. Tôi không quan tâm đến chỉ trích cá nhân, thậm chí cả mối đe dọa cuộc sống, tôi thậm chí không trả lời” – ông Ghebreyesus nói.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.