Trong khi thế giới dồn mọi con mắt về phía các cuộc tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác ở Biển Đông thì giữa Bắc Kinh và New Delhi cũng xuất hiện một cuộc chiến ngầm lặng lẽ ở vùng biển chiến lược này. Bằng cách tiến hành mở thầu quốc tế lô dầu mà Ấn Độ đã trúng thầu của Việt Nam, Trung Quốc đã “tung” ra một lời thách đấu với nước láng giềng to lớn không kém gì mình. Và bằng cách kiên quyết tiếp tục theo đuổi khai thác lô dầu thuộc chủ quyền rõ ràng của Việt Nam, Ấn Độ cho thấy họ sẵn sàng nhận lời thách đấu của Trung Quốc.
|
Ấn Độ thỉnh thoảng đưa tàu chiến ra Biển Đông, khiến Trung Quốc cảm thấy bất an.
|
Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc ở Biển Đông đã bắt đầu nảy sinh từ hơn một năm nay. Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng 10 năm 2011 về việc mở rộng và tăng cường khai thác dầu mỏ ở những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. New Delhi liên tục khẳng định sẽ thực hiện thỏa thuận này bất chấp sự thách thức của Trung Quốc.
Bằng cách chấp nhận lời mời thầu của Việt Nam vào khai thác dầu khí ở Lô số 127 và 128, công ty dầu khí nhà nước của Ấn Độ – onGC Videsh Ltd (OVL) không chỉ thể hiện mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam mà còn phớt lờ những lời cảnh báo của Trung Quốc về việc tránh xa Biển Đông.
Sau khi cảnh báo các nước “bên ngoài khu vực” tránh xa Biển Đông, Trung Quốc hồi tháng 11 năm 2011 đã đưa ra một yêu cầu, trong đó nhấn mạnh Ấn Độ phải xin phép Bắc Kinh nếu muốn khai thác dầu khí ở hai lô 127 và 128, nếu không các hoạt động của OVL ở đây sẽ được xem là “bất hợp pháp”. Việt Nam đã nhanh chóng phản động mạnh mẽ hành động của phía Trung Quốc, kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với hai lô này, bởi chúng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Một quan chức Ấn Độ có liên quan đến thỏa thuận khai thác dầu khi ở hai lô dầu của ViệtNam tuyên bố: “Những lô khí đốt đó hoàn toàn không nằm trong khu vực tranh chấp, dự án sẽ đem lại cho chúng tôi doanh thu tốt”.
Trong khi Ấn Độ nhấn mạnh các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông của nước này hoàn toàn mang tính thương mại thì Trung Quốc lại xem các hoạt động đó như một vấn đề liên quan đến các quyền chủ quyền.
Những bước đi của Ấn Độ ở Biển Đông đã khiến Trung Quốc bất an bởi nước này từ lâu đã luôn dõi theo sự tham gia ngày càng tăng của New Delhi vào khu vực Đông Á với ánh mắt đầy hoài nghi. Quyết định của Ấn Độ trong việc khai thác dầu khí chung với Việt Nam diễn ra sau một sự kiện hồi tháng 7 năm 2011. Khi đó, một tàu chiến không xác định của Trung Quốc đã ngang nhiên yêu cầu tàu tấn công đổ bộ Indian Airavat của Ấn Độ xưng danh tính và giải thích về sự hiện diện của con tàu này ở Biển Đông sau khi rời khỏi vùng lãnh hải của ViệtNam. Tàu chiến của Ấn Độ đang ở vùng lãnh hải quốc tế sau chuyến ghé thăm cảng ở ViệtNam.
Vào tháng 6 năm 2012, công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc – CNOOC đã trắng trợn mở thầu 9 lô dầu thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, trong đó có lô số 128. Đây là lô dầu nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Với hành động mở thầu một lô dầu đang được một công ty của Ấn Độ khai thác, Trung Quốc muốn tìm cách dồn Ấn Độ vào chân tường. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thể dọa nạt được New Delhi và điều đó được thể hiện rõ trong Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7 năm ngoái. Ở đó, Ấn Độ đã thể hiện một lập trường cứng rắn và kiên quyết khi tuyên bố nước này không chỉ ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông mà còn tiếp tục tiếp cận với các nguồn lực ở đây theo các nguyên tắc của luật quốc tế. New Delhi – nước thường có thói quen giữ mình trung lập, không đứng về bên nào trong quan hệ quốc tế, giờ đây đã nhận ra rằng, họ không thể tiếp tục ngồi yên nếu muốn giữ được uy tín và vai trò của mình với tư cách là một diễn viên chính ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Châu Á
Cũng như các cường quốc lớn khác, New Delhi lo ngại về sự thách thức của Trung Quốc đối với khả năng tiếp cận tự do đối với khu vực Biển Đông chiến lược. Tuyến hàng hải ở Biển Đông quá quan trọng đối với thương mại và an ninh quốc tế nên người ta không thể để nó rơi vào tầm kiểm soát của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực tìm mọi cách “khuấy tung” Biển Đông lên. Những quan ngại bắt đầu dấy lên khi Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và Hải quân của nước này ngày càng tỏ ra hung hăng, hiếu chiến trong khu vực. Trung Quốc hồi năm ngoái đã trắng trợn đưa quân đến đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong một nỗ lực nhằm đòi chủ quyền ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn công khai cảnh báo rằng, lực lượng hải quân và không quân của họ “sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải” của nước này ở Biển Đông.
Trung Quốc với sự giúp đỡ của Campuchia cũng đã ngăn không cho ASEAN đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh còn chơi trò “chia để trị” nhằm đảm bảo rằng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến họ chỉ ở trong khuôn khổ song phương.
Khi Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông như vậy, nước này rõ ràng đang thách thức nguyên tắc cơ bản của quốc tế về việc tự do hàng hải. Tất cả các cường quốc biển, trong đó có Ấn Độ, có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, quyền được tiếp cận tự do với vùng lãnh hải chung của Châu Á và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông.
Lợi ích của Ấn Độ trong việc tiếp cận nguồn dầu khí của Việt Nam đã đặt nước này vào tình trạng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần mang tính thương mại và nó còn thể hiện sự đối đầu giữa hai cường quốc đang nổi lên ở khu vực Châu Á. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương thì Ấn Độ cũng có thể làm điều tương tự như vậy ở Biển Đông.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.