“Cuộc đua” sản xuất siêu chiến cơ thế hệ 6

Để giữ ưu thế không quân, việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 với các tính năng ưu việt được các cường quốc đặc biệt quan tâm.

Đồ họa máy bay chiến đấu thế hệ 6. Ảnh Đài tiếng nói nước Nga


Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, các nhà khoa học Nga bắt đầu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Loại máy bay này được làm bằng vật liệu composite siêu bền. 

Thông tin này được Đài tiếng nói nước Nga dẫn từ lời tuyên bố của Tổng Giám đốc Quỹ nghiên cứu tiềm năng Andrei Grigorev tại diễn đàn “Những khám phá ứng nghiệm mới”.

Tính năng kỹ, chiến thuật của loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 này như thế nào không được bài báo nêu ra. Mà thay vào đó, bài báo cho biết, hiện Nga đang thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 PAK FA (T-50)  và dự kiến cung cấp máy bay này cho quân đội vào năm 2016.

Được biết, T-50 là máy bay chiến đấu có khả năng siêu cơ động, được trang bị hệ thống điện tử tân tiến. So với các máy bay chiến đấu thế hệ trước, T-50 sở hữu hàng loạt tính năng độc đáo, kết hợp các chức năng của máy bay tấn công và tiêm kích.

Trước đó, trong bản tin phát ngày 28/11/2013, Đài tiếng nói nước Nga cho biết, Tổng thống Putin yêu cầu tích cực chế tạo máy bay quân sự mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Công tác thiết kế chế tạo PAK FA của chúng ta được tiến hành theo tiến độ. Tôi hầu như không nghi ngờ rằng kế hoạch sẽ được hoàn thành. Nhưng PAK FA phải được xúc tiến hơn nữa”.

Hình ảnh đồ họa chiến đấu cơ thế hệ 6 F/A-XX do hãng Boeing thiết kế

Không chỉ có người Nga, để giữ ưu thế không quân, việc phát triển máy bay thế hệ thứ 6 với các tính năng ưu việt cũng được người Mỹ quan tâm.

Trong bài viết “Nhận diện máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6”, Báo Quân đội nhân dân cho biết, hiện nay, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 đang được người Mỹ nghiên cứu ở giai đoạn định hình các tính năng kỹ, chiến thuật cũng như các công nghệ dự kiến sẽ sử dụng.

Theo bài báo, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có “hình hài” thế nào, tính năng ra sao? Có nhiều quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung, các chuyên gia quân sự đều thống nhất, trước tiên, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 phải có tốc độ “bội siêu thanh” (gấp nhiều lần tốc độ âm thanh); có thể có khả năng điều chỉnh hình dạng trong quá trình bay để giảm tiết diện và tạo thuận lợi trong điều khiển khi hoạt động ở tốc độ cao.

Ngoài ra, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có thể được tích hợp cả 2 chế độ điều khiển (có người lái và không người lái) để bảo đảm khả năng cơ động với tốc độ cao trong điều kiện dài ngày, vượt quá khả năng chịu đựng của phi công.

Và đương nhiên, loại máy bay này rất có thể sẽ được ứng dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất cũng như những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện tử để đủ sức vượt qua các cuộc tấn công điện tử từ đối phương; được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân (ví dụ như vũ khí năng lượng định hướng; vũ khí lade…) nhằm bảo đảm khả năng tiến công cũng như phòng thủ tổng hợp.

Bên cạnh đó, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ có khả năng tự xử lý và phân tích các thông tin thu được mà không cần sự can thiệp của con người, có khả năng ứng dụng hệ thống tự động nhận định mục tiêu…

Hiện nay, hãng Boeing của Mỹ đã thiết kế và trình diễn mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có tên F/A-XX. Theo đó, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 F/A-XX có hai động cơ, hai chỗ ngồi, có khả năng “siêu cơ động”.

Để giảm khả năng bị phát hiện bởi các loại rađa hiện đại của đối phương, các điểm nối ghép giữa cánh và thân máy bay sẽ được thiết kế “liền” nhau đến mức gần như tuyệt đối để không tạo ra những khe hở. Máy bay F/A-XX cũng sẽ không được thiết kế phần đuôi nằm ngang như thông thường (cơ chế không đuôi). Trên máy bay chiến đấu F/A-XX sẽ được trang bị vũ khí lade công suất lớn và vũ khí điện từ. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị tên lửa có tốc độ bay siêu thanh.

Đầu năm 2012, hãng Lockheed Martin của Mỹ cũng đã công bố khái niệm chiến đấu cơ thế hệ 6 của mình với nhiều công nghệ đáng chú ý như khả năng tự phục hồi cấu trúc và tàng hình đa phổ.

Điểm đáng chú ý nữa là chiến đấu cơ thế hệ 6 của Lockheed Martin sử dụng động cơ phản lực mới hoạt động theo chu kỳ. Theo đó, động cơ sẽ có thêm cửa hút thứ 3 hoạt động theo chu kỳ bỏ qua máy nén và buồng đốt. Khi máy bay cất và hạ cánh, cửa hút này sẽ được đóng lại để động cơ cung cấp lực đẩy tối đa. Còn khi bay ở tốc độ siêu thanh, cửa này sẽ được mở giúp tăng lực đẩy và giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ…

Theo Chinhphu.vn