Cuộc gọi và tin nhắn rác: Nỗ lực xóa bỏ

Từ 1-10, Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực. Trước đó Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) triển khai tổng đài điện thoại số 5656 (miễn phí cước) để nhận phản ảnh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Các nhà mạng xác định “có” hay “không” trên thuê bao di động của người dùng để xác minh cuộc thoại rác.

Quy trình 4 bước

Cuộc gọi rác, tin nhắn rác (ảnh) và vấn nạn, làm phiền, ảnh hưởng đến từng cá nhân trong cộng đồng và kéo dài nhiều năm. Quyết tâm giải quyết cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn nói trên và hiện nay, công cụ hiệu quả là tổng đài điện thoại số 5656. Công cụ được vận hành bởi Cục An toàn thông tin, cơ quan điều phối giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Theo đại diện Cục Viễn thông, 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã thực hiện khóa chiều đi với 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Riêng trong tháng 9-2020, đã có hơn 16.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị khóa chiều đi.

Các nhà mạng cũng không đứng ngoài cuộc. Theo đó, việc ngăn chặn cuộc gọi rác được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tập trung theo quy trình khép kín gồm 4 bước: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; Xác thực lại đó phải là cuộc gọi rác hay không; Ngăn chặn; Chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại. Thời gian qua, việc này đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc.

Hiện các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý viễn thông sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Kết quả phân tích của phần mềm là một trong những căn cứ để nhà mạng, cơ quan quản lý căn cứ để xử lý các đơn vị phát tán thông tin rác làm phiền mọi người.

Cuộc gọi và tin nhắn rác: Nỗ lực xóa bỏ ảnh 1

Công cụ mạnh mẽ hơn là Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã có hiệu lực từ 1-10. Nghị định 91 xác định, tin nhắn rác, cuộc gọi rác là hoạt động quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo có nội dung vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật.

Người dùng di động chủ động tham gia

Các nhà mạng cũng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng khi nghi ngờ thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Người dùng điện thoại có thể trả lời bằng cách nhấn nút “có” hoặc “không” từ tin nhắn của nhà mạng trên chiếc di động của mình khi có một số lạ nào đó gọi đến. Chị Thanh Vân, nhà ở quận 5 cho hay: “Cách này rất thiết thực, giải quyết cái gốc của vấn đề thay vì dùng tính năng chặn cuộc gọi trên di động như hay làm trước đây”.

Trong khi đó, anh Thanh Dũng, một nhân viên văn phòng ở quận 3 cho rằng: “Với những công cụ công nghệ và hành lang pháp lý từ Nghị định 91 có hiệu lực, tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã giảm hẳn. Tuần trước, có một cô gái gọi mời chào hội thảo du lịch, tôi nói rằng nếu còn gọi tiếp sẽ báo số của cô vào dạng cuộc gọi rác, thế là cô ấy xin lỗi và dừng ngay lập tức. Cả tuần nay chưa thấy cô ấy gọi làm phiền trở lại”.

Nghị định 91 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa thế nào là cuộc gọi rác và phân biệt chúng với cuộc gọi quảng cáo. Theo đó, cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà người dùng nhận được khi chưa có sự đồng ý của họ. Trường hợp người dùng từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay. Quy định này không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo cơ sở để cá nhân, danh nghiệp có thể thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng với pháp luật, qua đó, giúp cho người dùng có nhu cầu nhận được thông tin quảng cáo đúng với mong muốn của mình.

Tham gia việc trả lời “có” hay “không” để xác định cuộc gọi rác cũng là cách người dùng di động hợp tác cùng cơ quan quản lý nhà nước xác định thuê bao rác, vì việc ngăn chặn thuê bao thực hiện cuộc gọi rác được tiến hành dựa trên số lượng phản hồi. Số thuê bao nào đó gởi nhiều phản hồi xác nhận tin nhắn rác thì đây sẽ là căn cứ để nhà mạng chặn chiều gọi đi của thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Thực tế hiện nay vẫn còn cuộc gọi rác, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp của người dùng di động chưa tốt. Trong quy trình xác thực cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ nhắn tin hoặc gọi điện đến người dân để đề nghị xác thực có phải là cuộc gọi rác hay không. Nhưng tỷ lệ người dân phối hợp để xác thực còn thấp, chỉ 5%-7%, tức là khi nhà mạng gửi khoảng 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5-7 người trả lời.

“Để giải quyết vấn đề, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đang tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực phối hợp, để việc xác thực cuộc gọi rác đạt kết quả cao hơn”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa vào vận hành tổng đài điện thoại số 5656 (miễn phí) để nhận phản ảnh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Cuộc gọi và tin nhắn rác: Nỗ lực xóa bỏ ảnh 2Đồ họa: HỮU VI

Để tương tác với hệ thống tổng đài 5656, người dùng di động cần soạn tin nhắn theo các cú pháp sau:

Phản ánh cuộc gọi rác: V [nguồn phát tán] [Nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656

Phản ánh tin nhắn rác: S [nguồn phát tán] [Nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656

Đăng ký vào Danh sách không nhận quảng cáo: DK DNC gửi 5656

Rút khỏi Danh sách không nhận quảng cáo: HUY DNC gửi 5656

Gửi bản sao tin nhắn quảng cáo: FW [Nội dung bản sao tin quảng cáo] gửi 5656

 

Chặn tin nhắn rác trực tiếp từ nhà mạng

Hiện các nhà mạng cũng thực hiện việc chặn tin nhắn rác trực tiếp theo hệ thống của nhà mạng.

MobiFone: Hầu hết tin nhắn quảng cáo dịch vụ từ nhà mạng này gửi đến các thuê bao đều qua đầu số 090 hoặc tên hiển thị là MobiFone. Nếu người dùng không muốn nhận tin nhắn chỉ cần soạn TC gửi đến 9241 hoặc có thể gọi đến tổng đài 18001090 để được hướng dẫn cụ thể.

Viettel: Các tin nhắn quảng cáo dịch vụ của nhà mạng này thường được gửi đi qua các tổng đài có tên như Viettel, BankPlus… Người dùng không muốn nhận tin từ các tổng đài này có thể soạn TC gửi 199.

Vinaphone: Người dùng có thể soạn TC gửi 18001091 để từ chối nhận các tin nhắn quảng cáo dịch vụ từ các tổng đài 18001091, Vinaphone. Tuy nhiên nhà mạng vẫn sẽ gửi tin nhắn có nội dung đặc biệt như kêu gọi hỗ trợ các chương trình nhân đạo quốc gia, tình hình thời tiết, bão lũ nguy hiểm… dù người dùng di động từ chối nhận tin nhắn quảng cáo.

Đăng ký số điện thoại vào danh sách không quảng cáo

Cũng thông qua đầu số 5656, người dùng có thể đăng ký số điện thoại của mình vào danh sách không quảng cáo. Đây là tập hợp các số điện thoại của người dùng đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn hay cuộc gọi quảng cáo nào. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo không được phép gửi tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi có nội dung tương tự đến các thuê bao trong danh sách này.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng sẽ đưa ra danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán thư điện tử rác, được cập nhật định kỳ và công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ TT-TT. Nhà mạng, doanh nghiệp, cá nhân có thể sử dụng danh sách này để ngăn chặn những thư điện tử rác không mong muốn.

Mức phạt lên tới 170 triệu đồng

Với hàng loạt quy định mới cũng như mức xử phạt hành chính tăng mạnh, Nghị định 91 được xem là công cụ quan trọng nhằm chặn đứng vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Điểm nổi bật của Nghị định là đã định nghĩa rõ ràng thế nào là tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Nghị định 91 đã nâng mức xử phạt cao hơn các văn bản pháp lý trước đây. Cụ thể, mức phạt từ 5-100 triệu đồng với hành vi gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử quảng cáo đến người dùng khi chưa được sự đồng ý, đã từ chối hoặc không trả lời tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Kèm với đó, số điện thoại, tài khoản thư điện tử thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị thu hồi. Với doanh nghiệp viễn thông, dịch vụ internet, mức phạt có thể lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử quảng cáo đến người dùng. Việc doanh nghiệp không ngăn chặn, thu hồi số điện thoại, thư điện tử thực hiện hành vi quấy rối người dùng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt.

Nguồn SGGP