Cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định

Tiến sĩ Trần Thế Ngọc
UVTW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang 

Kỷ niệm 150 năm Ngày anh hùng Trương Định hy sinh, một sự kiện trọng đại không riêng của nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi, mà của cả dân tộc Việt Nam tưởng nhớ một đại nguyên soái kiên hùng, trí dũng song toàn, vị quốc vong thân.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc tham quan gian triển lãm chưng nghi tại
Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận sáng 19/8. Ảnh: Huỳnh Hữu.

Cuộc xâm lược của thực dân Pháp mở đầu bằng chiến dịch đổ bộ bán đảo Sơn Trà năm 1859, liên tiếp tiến đánh Thành Gia Định, đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt của quân binh triều đình, trong đó có sự tham gia của Phó Quản cơ Trương Trịnh. Nhưng những mầm móng thoái trào của chế độ phong kiến xuất hiện từ khoảng nửa sau thế kỷ thứ 19; do các chính sách cai trị lỗi thời, bộ máy quản lý Nhà nước trì trệ, dẫn đến sức đề kháng yếu kém trước sự xâm lăng của ngoại bang, trước một nền văn minh phát triển nhiều hơn đất nước chúng ta.

Quá trình chiến đấu của nghĩa quân Trương Định tuy chỉ diễn ra vài năm, nhưng đã trở thành lá cờ đầu kháng Pháp trải rộng suốt vùng châu thổ Nam bộ, huy động một lực lượng quân – dân hùng hậu, xây dựng những khu vực phòng thủ phù hợp với vùng sông nước mênh mông và tiến hành các mũi tiến công gây nhiều tổn thất cho quân thù.

Đến năm 1862, Hiệp ước Triều Nguyễn nhượng 3 tỉnh Đồng Nai, Gia Định, Định Tường cho Pháp, đồng thời ra lệnh cho các tổ chức kháng Pháp bãi binh, đã châm dầu vào ngọn lửa đấu tranh đang âm ỉ và làm bùng dậy cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra việc tổ chức
Lễ Giỗ AHDT Trương Định tại TX. Gò Công. Ảnh: Vạn Phúc.

Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng đáp ứng tinh thần yêu nước sâu sắc, căm thù lũ giặc ngoại xâm, kêu gọi được sự đồng tâm hiệp lực của mọi tầng lớp nhân dân, có thể cả sự ngấm ngầm ủng hộ của Triều Đình Huế, mặc dù không có những tuyên bố công khai hoặc hỗ trợ cụ thể. Do đó, xét về hoàn cảnh lịch sử, đây là những hành động mang tính “thiên thời”, dẫn dắt một cách khách quan hình thành phong trào khởi nghĩa của Trương Định từ vùng đất Gò Công.

Vùng đất này tuy có những hạn chế bởi địa hình bằng phẳng, khó lợi dụng để bố trí mạng lưới căn cứ bí mật, bày binh bố trận dựa vào lưng đèo thế núi; cùng với vị trí Bắc giáp sông Vàm Cỏ và Soài Rạp, Nam giáp sông Cửu Tiểu và Cửa Đại, Đông giáp biển, dễ gây trở ngại cho mọi trường hợp rút quân khi có cần thiết.

Nhưng ngược lại, Gò Công là nơi quân Pháp chưa kịp bố trí các căn cứ chiến lược, mặt bằng lại nhiều sông, rạch, có thể tận dụng con nước cho việc liên lạc và chuyển quân. Mặt khác, khu vực Tân An, Gò Công, Mỹ Tho đất đai trù phú, ruộng lúa phì nhiêu, thóc gạo dồi dào, dân cư đông đúc, con người hào sảng, tiện lợi cho việc tích trữ lương thực, quyên góp tài vật, huy động nguồn nhân lực phục vụ cho các cứ điểm kháng chiến lâu dài.

Trong đó, Tân Hòa là chiến khu đầu tiên, Trương Định kéo quân về phất cao ngọn cờ Bình Tây Đại Nguyên soái, ra lời hiệu triệu toàn dân chống giặc. Ông đã cho xây dựng các đồn lũy theo các tuyến giao thông thủy bộ chính, như pháo lũy Đồng Sơn án ngữ hướng từ Sài Gòn về sông Vàm Cỏ, pháo lũy giồng ông Huê kiểm soát tuyến Mỹ Tho đến Gò Công; các đồn binh dọc theo rạch Vàm Giồng, Cửa Tiểu, trại cá, cù lao Lợi Quan nhằm phòng ngự tuyến duyên hải. Giai đoạn chuyển tiếp, Trương Định cho xây bản doanh ở giồng Sơn Quy, kết hợp với lũy Dung Giang và đồn Gia Thuận tạo thành thế ỷ dốc, quan sát toàn diện, phối hợp ứng cứu từ nhiều hướng và tổ chức phản công một cách nhanh chóng. Riêng vùng rừng Sát Lý Nhơn và Đám lá tối trời Gò Công có địa thế sông rạch chằng chịt, rừng lá âm u, đầm lầy dầy đặc, nghĩa quân có thể thoát ẩn thoát hiện tấn công theo chiến thuật vu hồi hay phương thức tập trung. Song song, một vành đai căn cứ từ Gò Bầu đến Vàm Bao Ngược, miếu thần lửa đến vị trí thần Súng,… đã đánh lui nhiều cuộc tập kích qui mô lớn của địch.

Trận địa chiến của các phong trào kháng Pháp không được bố trí liên thành trên toàn phạm vi lãnh thổ, nhưng yếu tố “địa lợi” vùng Gò Công đã giữ vững cơ sở chiến đấu của Trương Định. Qua những năm nằm gai nếm mật, được xác định rạch ròi từ những ngày đầu khởi nghĩa, giữa đạo trung quân ái quốc và nguyện vọng của toàn dân, lấy vận mệnh quốc gia làm trọng và niềm tin của nhân dân làm cội nguồn, Trương Định đã không nhận chức của triều đình, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Hào khí đó đã đưa quân số cơ binh đồn điền từ 500 lên lực lượng nghĩa binh 6.000, để chỉ 2 năm sau lên đến 10.800 người, bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân, một lòng đứng dưới ngọn cờ Bình Tây của Trương Định, mỗi đội hình, mỗi người dân đều là “Trung tâm kháng chiến” – một nét đặc trưng của loại hình chiến tranh nhân dân nước ta đã áp dụng trong nhiều cuộc chiến đấu vệ quốc.

 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công việc chuẩn bị Lễ Giỗ tại Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông
sáng 19/8. Ảnh Hòa Thuận.

Sát cánh cùng với nghĩa quân Trương Định, còn có rất nhiều viên chức, võ quan của triều đình, thân hào nhân sĩ, trí thức, khoa bảng của Gò Công hoặc các địa phương khác, trong đó nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu giữ vai trò quân sư; kể cả các đồng bào dân tộc Stiêng ở Thủ Dầu Một, Chơrơ ở Bà Rịa; đặc biệt là giới nữ lưu, mà bà Trần Thị Sanh trở thành “hậu phương” quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp kháng chiến của Trương Định.

Các phong trào chống Pháp từng bước có mối quan hệ phối hợp lẫn nhau giữa nghĩa quân Trương Định với lực lượng của Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Đỗ Thúc Tịnh, Trần Xuân Hòa. Sự nối kết này tuy không chặt chẽ, thống nhất trên toàn mặt trận, nhưng đã góp phần đưa địch vào thế phân tán, chia nhỏ, bị động, chịu sự tiến công từ nhiều hướng.

Sự lớn mạnh của phong trào kháng Pháp, từ một đồn binh chuyển thành lực lượng đánh khắp Nam kỳ Lục tỉnh, từ Gò Công đến Chợ Lớn, Biên Hòa, từ Mỹ Tho sang tận Tây Ninh, Châu Đốc, thể hiện yếu tố “nhân hòa” đã được phát huy một cách tích cực trong cuộc khởi nghĩa Trương Định.

Những điển hình và tinh thần yêu nước, nắm bắt thời cơ xây dựng khu vực phòng thủ về thế trận lòng dân, là bài học muôn đời và bất diệt cho thế hệ mai sau, để hôm nay chúng ta mãi mãi nhớ ơn Anh hùng dân tộc Trương Định!