Ba gương mặt của đêm chung kết xếp hạng
Đêm thi chung kết thứ ba khép lại với bao giọt nước mắt và nụ cười của các thí sinh. Nguyễn Hoàng Dư và Phạm Văn Nguyên đành dừng cuộc chơi khi số điểm đạt được có khoảng cách khá xa so với 3 thí sinh được chọn đi tiếp, cùng tranh tài trong đêm thi cuối.
Đầu tiên là Phan Thị Hoàng Oanh, thí sinh có cuộc bứt phá ngoạn mục khi vào vai cô Hạnh giả khùng để thu thập tin tức, do thám quân tình của địch, trong trích đoạn Nguyễn Thị Hạnh (tác giả Minh Khoa). Để giúp Hoàng Oanh hoàn thành tốt vai diễn, huấn luyện viên NSƯT Kim Tử Long đã cố gắng phát huy lợi thế giọng gió của thí sinh trong từng bài vọng cổ, đoạn ca trường tương tư – bài oán lớn của sân khấu cải lương. Với phần thi tròn trịa, đạt được cảm xúc, có sự tự tin, biết tiết chế trong ca diễn, thí sinh đã thể hiện đầy đặn tố chất cần có của một diễn viên chuyên nghiệp. Hoàng Oanh hiện đang là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, từng đảm nhiệm vai nữ chính. Lợi thế của một diễn viên được biểu diễn nhiều, rèn nghề thường xuyên đã giúp Hoàng Oanh đạt được kết quả chất lượng trong đêm thi.
Ngược lại, thí sinh Nguyễn Văn Khởi đã không thể hiện được hết sức mạnh, nội lực, sức hút vốn có là giọng ca trong đêm thi tài. Hai đêm thi trước, Khởi chinh phục khán giả bởi chất giọng ngọt, mùi, hút hồn người nghe. Từng tràng pháo tay không ngớt mỗi khi Khởi xuống câu vọng cổ. Nhưng khi thủ vai Nguyễn Trung Trực trong trích đoạn cùng tên của tác giả Vĩnh Xuyên, cả hội đồng nghệ thuật và khán giả đều có đôi chút thất vọng, ngỡ ngàng về cách xử lý bài thi của Khởi. Từ cách vô vọng cổ thiếu độ bổng, trong lòng câu đôi lúc hát chưa chuẩn, nghe không đã, đến cách diễn còn khá vụng của nam thí sinh duy nhất bước vào đêm thi cuối tranh giải.
Lê Kim Cương thì lại có một giọng hát đầy nội lực, khỏe và đẹp. Sau hai đêm thi đầu, thí sinh đã tự rút tỉa cho mình nhiều kinh nghiệm: biết cách làm chủ làn hơi, giọng ca, khéo tạo thêm độ mùi, tạo điểm nhấn trong phần ca và diễn. Trong đêm thi tài thứ ba, dù đang bệnh, lại gặp phải sự cố kỹ thuật – micro bị tắt tiếng, khi đang thể hiện vai diễn chị Tư trong trích đoạn Biển mặn tình người (tác giả Phạm Văn Đằng), nhưng Kim Cương vẫn cố giữ bình tĩnh và ca diễn hết mình, hoàn thành tốt phần thi. Mặt khác, lối diễn xuất chân phương, mộc mạc, truyền cảm đã giúp nữ thí sinh chiếm được cảm tình của người nghe, người xem.
Để có được thành quả đó, cả 3 thí sinh đã có nhiều nỗ lực trong suốt một tuần để tìm kiếm vai diễn, kịch bản phù hợp và khổ luyện với huấn luyện viên, cố gắng học thuộc tuồng, luyện ca, luyện diễn suốt nhiều ngày liên tục. Các tiết mục thi tài ca diễn của thí sinh trên sân khấu, trên sóng truyền hình, đã đóng góp cho khán giả những màn trình diễn sân khấu cải lương hay và hấp dẫn.
Tạo dấu ấn đẹp
12 năm duy trì tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) của Đài Truyền hình TPHCM đã đóng góp cho đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thành phố nói chung, lĩnh vực đờn ca tài tử, cải lương nói riêng những gương mặt mới, trẻ, nhiều tiềm năng. Với xã hội, cuộc thi dần trở thành một điểm hẹn để thi tài, mang tính giải trí hấp dẫn, đi vào đời sống tinh thần công chúng mộ điệu nghệ thuật dân tộc. Không chỉ vậy, sau khi cuộc thi kết thúc, sân chơi Ngân mãi Chuông vàng do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần, đã góp phần tạo điều kiện để các thí sinh đoạt giải cao có nhiều cơ hội được rèn nghề ca, nâng chất tay nghề diễn xuất, tiếp cận với khán giả, chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị quý giá của nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Hiệu quả của cuộc thi còn là hiệu ứng, sự ủng hộ rất nhiệt tình từ phía khán giả mộ điệu. Mỗi đêm thi diễn ra, không chỉ khán phòng Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM lại chật kín, mà công chúng ái mộ cuộc thi tài năng này còn háo hức đón chờ những diễn biến của cuộc thi qua màn ảnh nhỏ HTV – được truyền hình trực tiếp hoặc truyền tiếp. Riêng với cuộc thi Vọng cổ online được tổ chức song song với cuộc thi CVVC, ngày càng thu hút nhiều người tham gia, số lượng bài, video, clip gửi về ban tổ chức năm nay tăng gấp đôi so với những năm trước.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, sau những năm đầu rầm rộ đón nhận rất nhiều thí sinh tài năng, có năng khiếu vượt trội thì có một vài năm, ban tổ chức cuộc thi phải thực hiện một hành trình “truy tìm vàng” để đãi, lọc, chọn lựa, dũa, mài, rèn… vô cùng vất vả. Chưa kể kinh phí có hạn, nên việc tổ chức thực hiện chương trình không thể quy mô, sáng tạo như mong muốn của đạo diễn và ê kíp thực hiện chương trình.
Vượt qua những khó khăn thường trực đó, năm nay, ban tổ chức cuộc thi vui mừng chào đón nhiều thí sinh tham gia có chất giọng đặc sắc, lôi cuốn, những gương mặt trẻ đầy tố chất, tài năng tiềm ẩn. Trải qua 3 đêm thi tài gay cấn với nhiều bứt phá ngoạn mục, 3 giọng ca xuất sắc nhất của cuộc thi đã cùng bước vào đêm thi thứ tư của vòng chung kết xếp hạng – đêm thi cuối để chinh phục Chuông vàng, Chuông bạc và giải Ba. Đông đảo khán giả, những người yêu thích cuộc thi CVVC đang mong chờ chương trình lên sóng vào tối 24-9, để được thưởng thức những màn thi tài nhiều ẩn số của 3 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi năm nay.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.