Cuối tuần, Việt Nam đón “mặt trời lưỡi liềm” lúc quá trưa
Một pha “mặt trăng ăn mặt trời” ngoạn mục sẽ xảy ra vào trưa ngày 21-6 theo giờ Việt Nam, có thể quan sát suốt hơn 2,5 giờ.
Cận cảnh một lần nhật thực bán phần. Ảnh: TODAY ONLINE
Theo kết quả định vị tại TP HCM, nhật thực bán phần sẽ bắt đầu từ 13 giờ 37 phút ngày 21-6 theo giờ Việt Nam, và kết thúc vào lúc 16 giờ 18 phút. Nhật thực đạt đỉnh lúc 15 giờ 5 phút, với cường độ 48%, tức mặt trăng sẽ chiếm 48% đường kính của mặt trời.
Nhật thực xảy ra khi mặt trăng vô tình đi vào đường thẳng giữa mặt trời và trái đất, chắn một phần hay toàn bộ ánh sáng mặt trời. Tùy góc độ, các quốc gia khác nhau sẽ nhìn được nhật thực theo cách khác nhau và chỉ các quốc gia đang là buổi sáng lúc mặt trăng “quá cảnh” là có dịp chiêm ngưỡng. Ở các quốc gia thuận tiện quan sát nhất, nhật thực sẽ là dạng hình khuyên hay toàn phần tùy vào khoảng cách giữa 3 thiên thể mặt trời – trái đất – mặt trăng.
3 dạng nhật thực: bán phần, hình khuyên và toàn phần. Ảnh: TIME AND DATE
Tuy bị mặt trăng che lấp một phần ánh sáng nhưng ánh sáng “mặt trời lưỡi liềm” vẫn đủ rực rỡ để làm hỏng mắt con người nếu nhìn trực tiếp, vì vậy bạn cần chuẩn bị loại kính mát chống tia cực tím chuyên dụng để quan sát nhật thực và chỉ nên xem vài phút.
Ngay cả đối với nhật thực toàn phần, khi mặt trăng che lấp hoàn toàn mặt trời và bầu trời tối sầm lại, cũng chỉ đủ an toàn cho mắt thường trong vòng vài giây đến vài phút trong thời gian nhật thực đạt đỉnh 100%. Mọi người được khuyến cáo dùng kính chống tia cực tím khi nhật thực đạt độ che phủ 99% trở xuống, tức dạng nhật thực hình khuyên với dải sáng cực mỏng viền quanh mặt trời vẫn đủ gây hại cho mắt.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.