“Cuồng phong” Mangkhut có thể đổ bộ vào miền Bắc
Khác với cảnh báo ban đầu, ngày 13-9, các đài dự báo khí tượng và bão ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đều cập nhật lại nhận định, cho rằng siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào miền Bắc sau khi lướt dọc qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Dự báo đường đi của bão Mangkhut
Trước hết là về cơn bão số 5 (Barijat), theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, chiều 13-9, sau khi đi vào phía Bắc bán đảo Lôi Châu bão đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km rồi tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sáng 14-9, tâm áp thấp nằm trên bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió dưới cấp 6. Sau đó, vùng áp thấp tiếp tục dịch chuyển vào trong đất liền, suy yếu và tan dần. Áp thấp này gây mưa tại Bắc bộ, riêng khu vực Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to nhưng tổng lượng mưa cả đợt chỉ khoảng 50-100mm/đợt.
Đáng lo ngại nhất hiện nay chính là siêu bão Mangkhut, theo nhận định sẽ bắt đầu đi vào biển Đông vào sáng hoặc trưa thứ bảy (15-9) và trở thành cơn bão số 6. Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cho biết, chiều 13-9, tâm siêu bão ở vào khoảng 14,7 độ vĩ Bắc – 130 độ kinh Đông, cách đảo Luzon – Philippines khoảng 930km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt tới cấp 17 (tương đương 200-220km/giờ), giật trên cấp 17. Trước mắt, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiến vào biển Đông, hướng về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc), suy giảm hơn nhưng sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn còn đạt cấp 15, giật cấp 17. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiến sát đảo Hải Nam – Trung Quốc.
Theo nhận định, khi đi vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão Mangkhut sẽ suy yếu dần nhưng vẫn có cường độ rất mạnh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17 đến 18-9. “Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ ngày 17 đến 19-9”, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia cảnh báo. Điểm đặc biệt của siêu bão Mangkhut là có đĩa mây cực lớn và mắt bão lớn, được các đài dự báo bão quốc tế đánh dấu là rất nguy hiểm, có sức tàn phá dữ dội còn hơn cả bão Jebi vừa càn quét vào Nhật Bản hôm 4 và 5-9 vừa qua. Vì vậy, bão Mangkhut được xếp vào “cuồng phong siêu bão”. Đến chiều 13-9, nhiều mô hình dự báo bão của thế giới cũng nhận định, bão Mangkhut sẽ nhắm thẳng vào đồng bằng Bắc bộ vào sáng hoặc trưa thứ hai, ngày 17-9 và Hà Nội nằm trong tâm của cơn bão này.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày 13-9, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã phối hợp với các địa phương và các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.621 phương tiện (với 175.517 lao động) và 11.719 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo thống kê chi tiết, tại vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có 14.526 tàu với 72.708 lao động đang hoạt động; neo đậu tại bến là 30.095 tàu với 102.809 lao động; có 11.719 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 14.748 lao động.
Không chỉ miền Bắc mà tại miền Trung và miền Nam hiện nay thời tiết cũng đang rất xấu. Từ ngày 12-9 đến nay, ba khu vực là Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, một số trạm có mưa lớn như: Ba Tơ (Quảng Ngãi) 75mm; Vân Canh (Bình Định) 63mm; Đăk Mil (Đắc Nông) 68mm; Long Khánh (Đồng Nai) 67mm. Từ đêm 12 đến sáng 13-9, nhiều nơi tiếp tục mưa lớn, một số trạm đo được lượng mưa cao như: Đak Mốt (Kon Tum): 53mm; Sông Phan (Bình Thuận): 46mm; Sơn Hòa (Phú Yên): 41mm; Thủ Dầu Một (Bình Dương): 40mm.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.