Dạ cổ hoài lang mới vẫn đong đầy cảm xúc
Hấp dẫn, sâu sắc, nhân văn, kịch bản Dạ cổ hoài lang của Thanh Hoàng được dựng lại bằng một hình hài mới đầy cảm xúc và nguyên vẹn giá trị
Vở Dạ cổ hoài lang phiên bản mới do Sân khấu Kịch IDECAF dàn dựng đã có những suất diễn đầu tiên tại điểm diễn số 7 Trần Cao Vân, quận 1,
TP HCM và tạo cơn sốt vé. Chỉ với 4 nhân vật, câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn qua phiên bản mới một lần nữa mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Dạ cổ hoài lang, vở kịch đã thành “thương hiệu” nổi tiếng trên Sân khấu Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM 20 năm qua với hàng trăm suất diễn (từng đoạt Giải Mai Vàng Vở diễn sân khấu được yêu thích nhất; NSƯT Việt Anh được trao Giải Mai Vàng Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất với vai ông Năm) nên với đạo diễn Vũ Minh, việc tái dựng bằng phiên bản mới trên sàn diễn số 7 Trần Cao Vân là sự sáng tạo đầy áp lực không chỉ cá nhân anh mà cả dàn nghệ sĩ.
Trong bản dựng lần này của Dạ cổ hoài lang, có những thông điệp, những chia sẻ mà thế hệ khán giả 8X, kể cả 9X, dễ dàng đồng cảm. Rất nhiều bạn trẻ bày tỏ ý kiến trên các trang mạng xã hội, so sánh cách xử lý của Vũ Minh với bản dựng của đạo diễn NSƯT Nguyễn Công Ninh, so sánh các ê-kíp diễn viên trong bản dựng cũ và mới, đặc biệt vai ông Tư đã trải qua nhiều cách thể hiện khác nhau của nhiều nghệ sĩ: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thanh Hoàng, Lê Vũ Cầu, Hoài Linh…
“Mình òa khóc, cố ngăn nước mắt vì sợ bạn bên cạnh sẽ cười nhưng nhìn qua nó còn giàn giụa hơn mình. Ôi, 2 chú Thành Lộc và Hữu Châu tuyệt vời quá. Thế hệ mình chưa hiểu hết đời sống tha phương của những người già thập niên 1980 sống bên Mỹ. Tối qua xem về chat với ông nội, kể cho ông nghe, ông khẳng định thời đó, người già bên này sống bi kịch lắm, không như ngày nay dễ dàng về nước, thăm viếng thân nhân. Mình yêu cái khoảnh khắc 2 ông già leo lên mái nhà đầy tuyết để nhìn về quê hương…” (Meokimkhanh viết trên trang Facebook).
Một bạn ở Canada viết: “Còn 2 ngày nữa trở về bên đó nên bạn rủ đi coi Dạ cổ hoài lang. Đi vì nghe danh vở kịch này, nghe danh nghệ sĩ Thành Lộc, nay thì tận mắt tâm phục khẩu phục. Bối cảnh kịch có thể lạc hậu nhưng giá trị câu chuyện kịch vẫn nguyên vẹn và cảm xúc sẽ theo mình về Canada, để nhớ mãi về bài Dạ cổ hoài lang, nhớ về vở kịch ý nghĩa này”.
Bên cạnh diễn xuất tinh tế, đầy cảm xúc của NSƯT Thành Lộc trong vai ông Tư, khán giả thích thú trước sự đổi chất đến lạ thường của nhân vật ông Năm do NSƯT Hữu Châu thể hiện.
Ông Tư trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ của vợ, những tưởng con trai và đứa cháu ngoại duy nhất đang chuẩn bị mâm cơm cúng người phụ nữ đã khuất mà ông yêu nhất trên đời, thế nhưng ông đã lầm, cô cháu gái chuẩn bị tiệc sinh nhật cho bạn trai, còn con trai của ông thì đi làm xakhông về được. Và ông Năm, người bạn già thân thiết đã có mặt, cùng ông ôn lại kỷ niệm xưa, khóc cười theo mạch cảm xúc.
NSƯT Hữu Châu thật khéo lái cảm xúc khán giả: vui buồn và cười trước nỗi đau đớn của nhân vật. Thông minh, dí dỏm trong những câu đối đáp.NSƯT Thành Lộc trong vai ông Tư khiến khán giả không nhịn được cười. Cả 2 nghệ sĩ quăng bắt tiếng cười thật duyên dáng. Tài năng trong diễn xuất, Hữu Châu còn làm chủ tuyến kịch, phối hợp với Thành Lộc làm nên mạch kịch rất nhẹ nhàng đi vào lòng người xem nhưng để lại ấn tượng sâu sắc.
Khán giả đã khóc cùng nghệ sĩ trong lớp diễn bi thương nhất, đó là cái chết đến trong giá lạnh nhưng chính từ đó sự sống lại trỗi dậy, đứa cháu gái thốt lên câu: “Nội chính là quê hương của con”.
Cái duyên của Hữu Châu và chất đời có được từ những trải nghiệm của anh trên xứ người đã đưa đến cho khán giả hình ảnh ông Năm rất dung dị. Vai diễn nặng ký này cộng với sự tung hứng dí dỏm của NSƯT Thành Lộc cùng 2 diễn viên trẻ Lương Thế Thành, Vân Trang đã đổi màu cảm xúc cho Dạ cổ hoài lang trong hình hài mới hấp dẫn, thu hút mà vẫn nguyên vẹn những giá trị sâu sắc.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.