Đặc sản ĐBSCL vào vụ Tết
Mỗi độ Tết đến, các làng nghề sản xuất đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại tất bật. Năm nay, để phục vụ người tiêu dùng trong đợt mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất hàng hóa ở ĐBSCL đã tăng công suất gia công, chế biến hàng hóa từ rất sớm; số lượng, loại hàng hóa mang đặc sản vùng sông nước được bán ra cũng đa dạng hơn so với mọi năm.
Gia tăng công suất
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2023, nhưng hiện nay tại các cơ sở bánh tráng ở xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) rất nhộn nhịp. Bánh tráng Thạnh Hưng nổi tiếng thơm ngon, thương lái nhiều tỉnh như An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… tìm đến đặt hàng số lượng lớn vào dịp Tết. Để đảm bảo nguồn hàng, nhiều cơ sở bánh tráng ở đây đã chuẩn bị nguyên liệu (bột gạo, dừa khô, chất đốt…), thuê lao động phụ tráng bánh với số lượng gấp 3 ngày thường.
Cơ sở tàu hủ ky ở xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long tập trung sản xuất hàng Tết. Ảnh: PHAN HUY |
Tại huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) – vùng đất có nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản khô cũng đang tất bật không kém để chuẩn bị tung ra thị trường Tết những gói hàng chất lượng với số lượng lớn. Ngoài các sản phẩm truyền thống, dịp Tết năm nay, các cơ sở xẻ khô ở Kiên Hải cho biết sẽ có thêm nhiều loại thực phẩm khô mới như: cá suốt tách xương ướp tiêu đường, cá mối, cá đù một nắng… Giá các loại cá khô năm nay dự báo tăng nhẹ so với năm trước do giá nguyên liệu, nhân công tăng, cụ thể: khô mực loại 1 khoảng 1,2 triệu đồng/kg; tôm khô thiên nhiên khoảng 1,5 triệu đồng/kg; cá sặc rằn 350.000 đồng/kg; khô biển từ 150.000-850.000 đồng/kg. Tương tự, những ngày này, tại làng nghề làm cá khô truyền thống Phú Thọ (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cũng rất nhộn nhịp. Từ sáng sớm, hàng chục công nhân ở cơ sở khô cá lóc của chị Nguyễn Thị Tuyết Linh (huyện Tam Nông) đã bắt tay gia công nguyên liệu. Chị Linh cho biết, ngày thường, cơ sở làm khoảng 200-300kg cá tươi, cận tết tăng lên cả tấn cá tươi. Vậy nhưng có năm không đủ hàng để bán tết do nhu cầu lớn. “Cá khô được người dân ưa dùng trong ngày Tết, ngoài ra còn mua để làm quà tặng người thân, bạn bè, nên các cơ sở ở đây không lo ứ hàng”, chị Linh chia sẻ. Hiện làng nghề làm khô cá lóc Phú Thọ có 35 cơ sở, hộ dân sản xuất và trên 30 điểm bán cá khô các loại, dự kiến cung ứng 45 tấn khô dịp Tết Quý Mão 2023.
Tại Vĩnh Long, cơ sở sản xuất tàu hũ ky Đinh Công Hoàng (thị xã Bình Minh) vừa thuê thêm nhân công, bố trí 24 chảo/một dãy lò, để đáp ứng lượng hàng Tết do thương lái đặt. Ông Đinh Công Hoàng, chủ cơ sở sản xuất, chia sẻ, với bề dày trên 70 năm, sản phẩm làm ra có hương vị đặc trưng, rất ngon nên được thực khách ưa chuộng. Đây là thực phẩm mà khách ăn chay mặn đều dùng được, dịp Tết nào cũng “cháy” hàng.
Tôm khô Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh từ lâu đã trở thành một đặc sản dịp Tết của người dân cả nước cũng đang tất bật vào mùa. Còn tại Hậu Giang, đặc sản cá thát lát cũng đang “lên ngôi”. Hiện giá bán cá tươi khoảng 150.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần năm ngoái. Hiện nhiều cơ sở kinh doanh và các HTX tại Hậu Giang đang tăng tốc sản xuất cá thát lát rút xương, chả cá thát lát, cá thát lát viên, cá thát lát muối sả, bánh phồng tôm cá thát lát… để cung cấp cho thị trường trong nước.
Tăng chất lượng, giữ vững uy tín
Theo chị Tú Trinh, chủ cơ sở sản xuất khô Tú Trinh, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cơ sở của chị đã nhận đơn hàng Tết trên 1 tấn khô cá lóc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ vững uy tín cho thương hiệu khô Phú Thọ, cơ sở của chị đầu tư thêm lò sấy, máy hút chân không.
Ông Đàm Minh Thiện, Phó Chủ nhiệm Phú Nông Hội quán, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, các cơ sở vẫn đang thu mua cá rất nhiều để làm khô. Chúng tôi xác định đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm là trên hết, để tạo thương hiệu lâu dài. Tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nổi tiếng có làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã tồn tại và phát triển gần 70 năm nay. Rất nhiều du khách đến An Giang đã ghé mua bánh phồng Phú Mỹ về làm quà. Ngoài ra, đặc sản mắm Châu Đốc (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) nổi tiếng hàng trăm năm nay, cũng là món quà Tết hấp dẫn, nổi tiếng nhất là món mắm ruốc.
Cùng với sản phẩm gạo ST25 mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại Sóc Trăng đã nổi tiếng trong những năm gần đây, gạo Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cũng đang dần “lấy lại phong độ”, số lượng bán ra tăng đáng kể trong dịp cuối năm, gần Tết. Ông Phan Văn Sánh (tên thường gọi Bảy Sánh, ngụ ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Lệ), một trong những thương lái trồng và thu mua gạo quy mô lớn nhất tỉnh Long An, cho biết: “Dự kiến, dịp Tết năm nay, số lượng Nàng Thơm Chợ Đào bán ra sẽ tăng gấp đôi so với năm ngoái. Hiện lúa đang chín và đạt chất lượng cao, cơ sở của tôi đã đặt hàng và bao tiêu cả trăm mẫu, sản lượng thu được lên đến hàng trăm tấn. Sau khi thu hoạch, ngoài những đại lý đã đặt hàng, tôi sẽ đóng gói bao bì để làm quà biếu Tết, để dành lại một ít bán lẻ cho người dân yêu thích loại gạo này”.
Ông Bảy Khiêm, chủ cơ sở Quýt hồng chậu ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, năm nay cơ sở của ông cho ra thị trường khoảng 300 chậu quýt hồng. Trung bình một gốc quýt hồng có giá dao động từ 2-7 triệu đồng, tùy kích cỡ cây, size chậu. Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, nhưng đã có nhiều thương lái đặt hàng online, khách hàng vãng lai đến tận vườn xem và đặt cọc. Với các thương lái đã đặt cọc, rằm tháng Chạp, họ sẽ đến chở đi để bán ở các chợ lớn như: TP Cần Thơ, TPHCM và TP Hà Nội…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.