Đại biểu Quốc hội sẽ chọn 4 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Theo chương trình kỳ họp thứ 2 đã được Quốc hội thông qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong các ngày 10, 11 và sáng 12/11.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đã chọn 12 nhóm vấn đề nổi lên xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội để chọn 6 nhóm vấn đề.

“Tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn 5 nhóm, tương ứng với 5 người trả lời chất vấn, sau đó trình đại biểu Quốc hội để chọn 4 người. Riêng Thủ tướng sẽ có 1 giờ để báo cáo giải trình và trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội”- ông Bùi Văn Cường cho biết.

ong_bui_van_cuong

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Liên quan đến việc chọn thành viên đăng đàn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay vẫn chưa có danh sách, song một số vị đại biểu cũng đã có dự tính về chọn người chất vấn ở kỳ họp này trên cơ sở ý kiến của cử tri và những vấn đề lớn của đất nước đặt ra tại thời điểm này.

“Các nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư; công thương; văn hoá thể thao và du lịch; công an; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; ngân hàng, tài chính…. đều nằm trong sự cân nhắc của đại biểu”- ông Bùi Văn Cường thông tin.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành hai ngày rưỡi để chất vấn và trả lời chất vấn. Tại cuộc họp báo thông tin về kỳ họp trước đó, ông Bùi Văn Cường cho biết tổng hợp 59 nhóm vấn đề, dự kiến đến thời điểm cuối đợt họp trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó quyết định nhóm vấn đề chất vấn và thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời. Theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trong danh sách trả lời chất vấn.

“Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên chất vấn”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Nguồn vov.vn