Đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 23/10, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Các dự thảo văn kiện gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao, đã đánh giá toàn diện tất cả các mặt kể cả Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng cũng như dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Đoàn ĐB Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII
(Ảnh: TH)

Chủ đề của Đại hội toàn quốc lần thứ XII: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh), nếu bỏ từ “sớm” vẫn đủ nghĩa, bởi quá trình xây dựng liên tục, “sớm” là bao lâu?.

ĐB đề nghị, Văn kiện cần dùng một dung lượng nhất định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngành nông nghiệp. Đây là hai lĩnh vực sẽ bị tổn thương khi hội nhập.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Văn kiện trước đây xác định đưa đất nước sớm thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), tuy nhiên, ĐB bày tỏ trăn trở vì thấy rằng, nhìn lại các nước xung quanh, quá trình hoàn tất CNH, HĐH 20-25 năm và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Ở nước ta, quá trình đổi mới và thực hiện CNH đã 30 năm, nhưng nhìn lại vẫn đặt mục tiêu đưa đất nước sớm trờ thành nước CNH trong 5 năm tới. Trên cơ sở đó, ĐB Hoà kiến nghị, Đại hội lần này nên cụ thể hóa mục tiêu thời gian để tạo thành “sức ép”, trở thành quyết tâm chính trị để buộc cả hệ thống chính trị nỗ lực, cố gắng, tranh thủ nguồn lực để phát triển.

Đối chiếu với tốc độ tăng trưởng 5 năm qua (chỉ đạt 5,85%), chậm lại so với 5 năm trước đó, ĐB Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, do không tìm được nhân tố, tiềm lực mới. Trong nhiệm kỳ tới, Đại hội cần chỉ ra đâu là nhân tố mới để thúc đẩy quá trình tăng trưởng đất nước, phải cao hơn toàn bộ quá trình tăng trưởng sau giải phóng tới giờ. “Theo tôi, có 2 nhân tố cần tập trung thúc đẩy là: hoàn thiện thể chế, có chính sách đưa KHCN vào thực tế, hai nhân tố này sẽ kích hoạt để tạo ra xung lực mới”, ĐB Hoà nói.

Dự thảo Báo cáo đã nêu ra 4 nguy cơ Đảng ta phải đối mặt trong thời gian tới, trong đó có nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, đây là một nguy cơ lớn, cần nhìn nhận, đánh giá, phân tích kỹ về nội dung này trong dự thảo văn kiện, để đưa ra những quyết sách kịp thời.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (thành phố Hồ Chính Minh) bày tỏ nỗi trăn trở trong tìm ra giải pháp về hiệu lực quản lý xã hội, quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh: Có thể nói pháp luật hiện nay không thiếu, bộ máy quản lý Nhà nước đầy đủ nhưng hiệu quả quản lý có vấn đề cần suy nghĩ, gây bức xúc cử tri, sự bất an đối với người dân và xã hội.

Dẫn chứng thời gian qua, trong đầu tư xây dựng cơ bản, khi bão lũ xảy ra thấy chất lượng công trình không bảo đảm; an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được quy định chặt chẽ nhưng vẫn không bảo đảm chất lượng, khiến dân lo sợ; cơ sở nuôi dạy trẻ không có giấy phép, doanh nghiệp luồn lách, cấu kết tham ô, tham nhũng, làm trái quy định Nhà nước… ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, trong dự thảo báo cáo chính trị đã nhận định nhưng chưa đầy đủ. Vì vậy, trong Đại hội Đảng sắp tới phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề, có thuốc trị, để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xã hội theo nguyên tắc: không dám, không thể, không muốn.

Về công tác dân vận, ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu còn nhiều hạn chế như trong triển khai nghị quyết, chủ trương của Đảng còn chưa kịp thời… Tuy nhiên, theo ĐB Dung, nguyên nhân sâu xa quan trọng tồn tại trong công tác dân vận là do nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở một số nơi còn hạn chế, nên công tác dân vận không được coi trọng đúng mức.

Trong giai đoạn mới, theo ĐB Võ Thị Dung, trong công tác dân vận của Đảng, ngoài xây dựng Đảng vững mạnh thì xây dựng hệ thống Nhà nước và đặc biệt ban hành chính sách là rất quan trọng. Bởi khi Đảng có Nghị quyết, điều hành là của Nhà nước, mọi quyết sách của Nhà nước tác động đến việc thực hiện, người dân có mất lòng tin hay không ở chỗ này, đặc biệt là chính sách không thuận lòng dân, “nói một đằng làm một nẻo”, thì dân không tin./

ĐCSVN