Đại hội XII và cái mới trong xây dựng Đảng

Đại hội XII thành công tốt đẹp. Nhiệm vụ xây dựng Đảng đã được đề cập một cách toàn diện, có những điểm nhấn cần thiết, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong tổng thể các nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1

Biểu tượng, cờ hoa rực rỡ chào mừng Đại hội XII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Những cái mới ấy, những điểm nhấn ấy là gì? Có câu hỏi đặt ra như thế.

Về phần mình, tôi cảm thấy có hai cái mới rất đáng lưu ý. Cái mới thứ nhất là việc xác định chủ đề Đại hội

Xuất phát từ thực tiễn tình hình và yêu cầu xây dựng Đảng những năm trước đây, cả hai Đại hội X và XI đều lấy “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” làm vế đầu của chủ đề Đại hội. Lần này, Đại hội XII có sự điều chỉnh cần thiết, thay nội dung ấy bằng: “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Sự điều chỉnh này, ngay trong quá trình thảo luận văn kiện Đại hội ở các cấp, đã được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi. Bởi “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” có ý nghĩa rộng hơn, bao quát hơn, bao hàm cả nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, nhưng lại gây được ấn tượng mạnh hơn, phù hợp hơn với thực tiễn và đòi hỏi bức xúc của tình hình hiện nay.

Như Văn kiện của Đại hội chỉ rõ: Trong 5 năm qua, mặc dù đã đạt được những “kết quả quan trọng” nhưng công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Lại một câu hỏi nữa đặt ra: Giữa xây dựng Đảng trong sạch và xây dựng Đảng vững mạnh, yêu cầu nào cao hơn?

Biện chứng mà nói, hai yêu cầu đó gắn kết mật thiết với nhau. Không có sự trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức thì cũng sẽ không có sự vững mạnh về các mặt này, và ngược lại. Nhưng xét cho cùng để Đảng thật sự xứng đáng với vai trò tiên phong lãnh đạo thì xây dựng Đảng trong sạch chỉ là điều kiện “cần” còn vững mạnh mới là điều kiện “đủ”.

Trở lại chủ đề của Đại hội, tôi thấy: Chính việc đặt lên hàng đầu chủ đề và xác định đúng nội dung đã đưa Đại hội đến quyết sách đúng, định hướng và giải pháp đúng về nhiệm vụ xây dựng Đảng trong những năm tới. Đó cũng là bài học.

Cái mới thứ hai là việc đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu lên và đặt vấn đề “xây dựng Đảng về đạo đức” ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức…

Nên hiểu như thế nào?

Thật ra, tầm quan trọng của đạo đức trong xây dựng Đảng nói chung và xây dựng tư cách người đảng viên nói riêng không phải chuyện bây giờ mới nói.

Bác Hồ, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), đã chỉ rõ: Người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Trong Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Bác từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Rèn luyện cán bộ phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là tác phẩm vô giá cuối cùng Người để lại. Trước lúc đi xa, Người còn di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đảng ta, trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn ghi nhớ những lời dạy đó của Bác. Liền trong ba nhiệm kỳ Trung ương khóa IX, X và XI, Đảng đã phát động các phong trào “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”, rồi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”.

Cũng chính tại các kỳ Đại hội nói trên, Đảng ta đã cảnh báo nghiêm khắc và chỉ rõ tác hại nghiêm trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội kéo dài nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI, Hội nghị Trung ương 4 ra nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong ba vấn đề cấp bách được nêu lên thì vấn đề được coi là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” trong cán bộ, đảng viên.

Nêu một vài dẫn chứng trên đây để thấy rõ: Khi nói xây dựng Đảng về đạo đức là một nét mới trong xây dựng Đảng nói chung hoàn toàn không có nghĩa là trước đây ta đã xem nhẹ mặt đạo đức trong xây dựng Đảng. Có điều, trong quan niệm lâu nay, Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng về tư tưởng là bao gồm cả các mặt đạo đức và lối sống, vì nhìn chung, tư tưởng, đạo đức và lối sống đều thuộc phạm trù văn hóa. Việc nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, đặt nó ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cũng hoàn toàn không có nghĩa là làm giảm đi tầm quan trọng cơ bản của xây dựng Đảng về các mặt này, trái lại, lấy xây dựng Đảng về đạo đức, nói rộng ra là về văn hóa, để bổ sung và tiếp thêm sức sống cho xây dựng Đảng về các mặt ấy.

Hơn nữa, trong khi đề ra mục tiêu chung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Đảng ta cũng chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh các mặt công tác khác như: công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng… Nếu có gì cần nói thêm, tôi xin lưu ý cách đề cập của Đảng về sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ sáu là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Thế là, hai nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ sáu đều có liên quan trực tiếp đến xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa.

Và như vậy, không phải quá lời khi nói, qua thành công của Đại hội XII, Đảng ta đã làm giàu thêm bài học về xây dựng Đảng. Tháng 1-2016

HÀ ĐĂNG- Báo Nhân Dân