Ðài kỷ niệm bài ca huyền thoại
Những ngày tháng 5, bài hát Ca-chiu-sa nổi tiếng từ thời chiến tranh thế giới thứ hai lại vang lên trên khắp nước Nga, hÒA cùng các hoạt động sôi nổi kỷ niệm 68 năm Chiến thắng phát-xít (9-5-1945 – 9-5-2013). Ðể tôn vinh những người con Xô-viết hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thành phố Vla-đi-vô-xtốc quyết định dựng đài kỷ niệm cho bài ca huyền thoại này.
Bài hát Ca-chiu-sa do nhạc sĩ Mát-vây Blan-tơ soạn nhạc và phổ thơ của thi sĩ Xô-viết Mi-kha-in I-xa-cốp-xki (1900-1973). Ngay từ khi được trình bày lần đầu năm 1938, bài hát đã chiếm trọn tình cảm người nghe và nhanh chóng lan tỏa khắp Liên Xô (trước đây), trở thành nguồn động viên tinh thần các chiến sĩ Xô-viết lúc bấy giờ. Bài hát trở nên nổi tiếng không chỉ ở trong nước, mà nhanh chóng vượt biên giới Nga và được yêu thích, phổ biến rộng rãi ở khắp các nước trên thế giới. Chiến tranh kết thúc đã 68 năm, các thế hệ người Nga và nhiều nước vẫn hát Ca-chiu-sa và coi đó là bài hát hay nhất về chiến tranh và tình yêu.
Ca-chiu-sa là lối gọi thân mật của tên phụ nữ Nga là Ca-tê-ri-na. Theo Ðài Tiếng nói nước Nga, các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Nga đã xác định được nguyên mẫu nhân vật chính trong bài hát, người đã tạo nguồn cảm hứng và được dành tặng bài hát này. Ðó là nữ cư dân Vla-đi-vô-xtốc, tên là Ca-tê-ri-na A-lếch-xi-ép-na. Năm 1930, Ca-tê-ri-na tốt nghiệp Nhạc viện TP Lê-nin-grát, rồi kết hôn với một sĩ quan biên phòng. Chia sẻ cùng chồng gánh nặng cuộc sống khó khăn nơi biên cương, cô gái trẻ Ca-chiu-sa chung thủy chờ đợi người bạn đời thân yêu và cũng tham gia những trận chiến đấu chống kẻ thù.
Khi nước Nga bước vào cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, có hàng trăm, hàng nghìn Ca-chiu-sa như vậy, ở lại hậu phương chờ đợi chồng, người yêu chiến đấu ngoài mặt trận. Và cũng có hàng trăm, hàng nghìn Ca-chiu-sa trực tiếp ra trận. Họ đã sống, chiến đấu và chiến thắng. Và bài hát Ca-chiu-sa đã ra đời, dành tặng những người phụ nữ như thế. Bài ca bất hủ này được coi là biểu tượng sinh động về tình yêu, sự thủy chung sắt son và lòng yêu nước thiết tha…
Bên bờ sông U-gơ-ra tại tỉnh Xmô-len-xcơ, quê hương tác giả phần ca từ của bài hát Ca-chiu-sa, nhà thơ I-xa-cốp-xki, nay đã có đài kỷ niệm bài hát Ca-chiu-sa. Lời bài hát được khắc lên tấm biển đồng gắn vào tảng đá lớn, như một biểu tượng sức sống lâu bền của một bài ca. Tại làng Vơ-xkhốt gần đó, trong khuôn viên Nhà văn hóa mang tên I-xa-cốp-xki, Bảo tàng về một bài ca cũng được xây dựng, trưng bày những hiện vật quý liên quan bài thơ, bài hát Ca-chiu-sa. Là địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở Nga và là bảo tàng duy nhất trên thế giới về bài hát Ca-chiu-sa, hằng năm bảo tàng đón hàng nghìn lượt người đến tham quan, tìm hiểu về bài hát này và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của người Nga và các nước Liên Xô (trước đây).
Ở TP Vla-đi-vô-xtốc, người dân đã quyết định dựng tượng đài kỷ niệm cho bài ca huyền thoại này. Những người khởi xướng công trình phát động cuộc thi tạo mẫu dự án thiết kế Ðài kỷ niệm Ca-chiu-sa. Công cuộc “bất tử hóa” bài ca huyền thoại thời chiến đang gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà điêu khắc từ khắp nước Nga. Hiện có tám mô hình thiết kế có số phiếu bình chọn nhiều nhất trên in-tơ-nét đang được trưng bày tại Phòng triển lãm nghệ thuật công cộng của TP Vla-đi-vô-xtốc.
Kết quả cuộc thi chưa được công bố. Nhưng, địa điểm dựng di tích mới đã được lựa chọn. Ðài kỷ niệm Ca-chiu-sa bằng đá hoa cương đặt ở một quảng trường trung tâm của Vla-đi-vô-xtốc, hướng về phía vịnh A-mua. Ðài kỷ niệm Ca-chiu-sa sẽ tô đẹp thêm thành phố và trở thành một biểu tượng mới của thủ phủ vùng Viễn Ðông của Nga.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.