Đại lễ Phật đản Vesak 2014
Đại lễ Vesak 2014 là cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hòa bình vì hạnh phúc của con người.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014, sáng 8/5. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức quốc tế, sáng 8/5, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014, với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”, từ ngày 8-15/5.
Dự lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne, các vị Đại sứ, đoàn ngoại giao cùng khoảng 1.150 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và trên 10.000 đồng bào Phật tử Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức với quy mô quốc tế, thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên Hợp Quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, vị tha, nhân ái đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2014 có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chư tôn đức Giáo phẩm cùng các đại biểu quốc tế… Ảnh: VGP/Từ Lương |
Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, được tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực từ năm 2000. |
“Sau Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008 được tổ chức thành công tại Hà Nội, Việt Nam, Đại lễ Vesak 2014 lần này tiếp tục được tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam lại một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên Hợp Quốc chọn ngày Tam hợp Đức Phật là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định việc Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo mang lại cho đời sống xã hội”.
“Ở đất nước chúng tôi, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Hiến pháp và các bộ luật quan trọng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn trong những ngày dự Đại lễ Phật đản trên đất nước Việt Nam, các đại biểu sẽ cảm nhận sâu sắc thêm về đất nước Việt Nam, về truyền thống văn hóa lịch sử và con người Việt Nam; về tình hữu nghị và những tình cảm chân thành, nhân hậu và sự mến khách của nhân dân Việt Nam. Việt Nam đồng tâm phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp, cùng phát triển bền vững trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Ảnh: VGP/Từ Lương |
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014, khẳng định: “Thế giới của chúng ta ngày nay đang đối diện với hàng loạt các khủng hoảng và thiên tai không dự đoán được, các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh này trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Giải quyết nghèo đói, xóa nạn mù chữ, thúc đẩy phát triển, thực thi công bằng xã hội trong một thế giới đầy rẫy mâu thuẫn, xung đột, khủng bố đe dọa và bạo lực dân tộc… đã trở thành nhu cầu bức thiết nhằm nỗ lực và kế hoạch hóa thường xuyên theo hướng bền vững ở cấp quốc tế. Duy trì và phát triển hòa bình lâu dài trong xã hội và đời sống của các cá nhân đã trở nên quan trọng, mà trên thực tế là những thách đố toàn cầu rất nghiêm trọng”.
Ngay sau Lễ khai mạc là nghi thức Tắm Phật truyền thống tại không gian lễ hội Điện Thích Ca và màn thả bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình của nhân loại.
Cũng nhân dịp Đại lễ Vesak 2014, lễ diễu hành của đoàn xe hoa trang trí biểu tượng văn hoá Phật giáo đã diễn ra trên cung đường từ TP. Ninh Bình vào chùa Bái Đính với sự tham dự của đông đảo tăng ni, Phật tử đại diện các địa phương.
Chương trình khai mạc Đại lễ quốc tế về văn hóa Phật giáo lớn nhất thế giới diễn ra thành công tốt đẹp, tạo sự ấn tượng đối với các đại biểu, khách quý và bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình và mến khách.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.