|
Đảo Ba Bình thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam |
|
|
Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan hôm 27/12 đã ngang nhiên tuyên bố sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, cụ thể là ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm tới. Đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và là một hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực tranh chấp.
Theo báo chí địa phương, Cục Khoáng sản thuộc Bộ Kinh tế Vùng lãnh thổ Đài Loan hợp tác với Tập đoàn lọc dầu nhà nước CPC dự kiến trong năm tới – 2013 sẽ bắt đầu khởi động việc thăm dò dầu khí ở khu vực biển xung quanh đảo Ba Bình – hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Jerry Ou, người đứng đầu Cục Năng lượng VLT Đài Loan đã thông báo về kế hoạch trên hôm thứ Năm (27/12) trước Quốc hội. Theo đó, VLT Đài Loan sẽ chi một khoản ngân sách trị giá 585.000 USD cho dự án này.
“Hiện tại, đó mới chỉ là một dự án được chính phủ lên kế hoạch và chúng tôi chưa nhận được thêm bất kỳ chi tiết nào về dự án đó”, một quan chức thuộc CPC Corp giấu tên cho biết.
Cục Năng lượng và Cục Khoáng sản VLT Đài Loan đều từ chối bình luận về thông tin trên.
Đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba) nằm ở tọa độ 10°23 bắc, 114°22 đông, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, Trung Quốc và VLT Đài Loan gọi đảo này là đảo Thái Bình (Taiping dao). Đảo có chu vi 2,8km, diện tích 43,2ha và có một vòng đá san hô bao quanh. Chiều dài đảo là 1.470m, chiều rộng 500m, có độ cao trung bình 2,8m.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Ba Bình nhưng trong những tháng vừa qua VLT Đài Loan liên tiếp có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở đây.
Hồi giữa tháng 7, báo chí Đài Loan đưa tin, cơ quan an ninh hòn đảo này đã có cuộc họp với các ban ngành liên quan để thảo luận việc mở rộng đường băng tại đảo Ba Bình. Theo tờ “Thời báo Tự do” (Liberty Times) của Đài Loan, Vùng lãnh thổ này đang xem xét kéo dài thêm 500 mét đường băng tại đảo Ba Bình. Trước đó, ngày 2/5, Bộ Quốc phòng VLT Đài Loan đã thông báo về kế hoạch thành lập một đơn vị không vận đặc biệt, có chức năng phản ứng nhanh trước những tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đảo Ba Bình.
Và mới đây nhất, trong hai tháng 7 và 8, VLT Đài Loan tiếp tục triển khai vũ khí mới và tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình của Việt Nam.
Rõ ràng, sau Trung Quốc, đến lượt Vùng lãnh thổ Đài Loan liên tục có những hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, đốt nóng tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động của VLT Đài Loan và kêu gọi Vùng lãnh thổ này chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở đảo Ba Bình.
Philippines phản đối Trung Quốc đưa tàu “khủng” ra Biển Đông
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông, Philippines ngày hôm qua (28/12) đã bày tỏ “sự phản đối kịch liệt” đối với việc Trung Quốc triển khai một tàu tuần tra khổng lồ đến khu vực.
Những chuyến đi tuần tra như vậy sẽ không giúp củng cố việc đòi chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp – nơi Manila và Bắc Kinh đã có cuộc đối đầu căng thẳng đến nghẹt thở hồi tháng 4 và tháng 5 vừa rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez cho biết trong một tuyên bố.
“Philippines kịch liệt phản đối việc Trung Quốc cho tàu tuần tra khu vực lãnh hải của Philippines ở Biển Tây Philippine (tên gọi mà Manila đặt cho Biển Đông)”, tuyên bố trên nhấn mạnh.
Manila cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý của nước này.
Trước đó, hôm 27/12, Trung Quốc tuyên bố vừa triển khai một trong những chiếc tàu tuần tra lớn nhất được trang bị sân bay cho trực thăng của nước này ra Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một chiếc tàu tuần tra loại này được đưa vào phục vụ ở khu vực biển đang nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp này.
Con tàu tuần tra khổng lồ được phái đi làm nhiệm vụ ở Biển Đông là tàu Haixun 21 thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục An toàn Hàng hải Hải Nam. Tàu tuần tra Haixun 21 có trọng tải 1.500 tấn được đưa vào sử dụng năm 2002. Con tàu này dài 93,2m với khoảng cách đi biển tối đa là 7.408km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ tối đa của tàu Haixun 21 là 40,74km/giờ. Sân bay dành cho trực thăng được đặt ở phần đuôi tàu. Nó dài khoảng 21m và rộng 11m.
Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục có các cuộc đối đầu với các nước láng giềng trong khu vực vì tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh liên tiếp có những hành động leo thang trong khu vực, khiến nhiều nước bất bình. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang tăng cường dùng các tàu tuần tra, tàu hải giám, tàu bán quân sự để gây khiêu khích ở những vùng biển tranh chấp. Hồi cuối tháng 11, Trung Quốc ngang nhiên thông báo luật mới, trong đó cho phép lực lượng cảnh sát nước này quyền được chặn và xông lên bắt giữ tàu thuyền nước khác đi lại trong khu vực tranh chấp. Luật này đã vấp phải sự phản đối dữ dội không chỉ của các nước trong khu vực mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Ấn Độ.
Nguồn Vnmedia
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.