Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một huyền thoại đặc biệt của muôn đời
Khắp trong và ngoài nước đều biết Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, Người Anh Cả của đội quân từ nhân dân mà ra và bách chiến bách thắng, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới đánh bại hai thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất của thế kỷ 20 là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là tướng duy nhất được phong một lần quân hàm Đại tướng. Có nhiều vị tướng của cả ta và đối phương đánh giá Tướng Giáp xứng đáng là Đại Nguyên soái. Ấy vậy mà vẻ bề ngoài của người chỉ huy thiên tài đó, con người đặc biệt đã đi vào huyền thoại lại vô cùng bình dị, hiền từ, dễ gần và ấm áp với mọi người, chất mộc mạc Lệ Thủy – Quảng Bình nắng gió chịu khó chịu thương, quê hương của Đại tướng kính yêu.
Đã có rất nhiều mỹ từ ngợi khen dành cho vị Đại tướng xuất chúng, được cả thế giới ghi nhận và liệt vào danh sách những tướng soái vĩ đại nhất của nhân loại mọi thời đại… với hàm ý đầy kính trọng và khâm phục. Nay Người đã về với thiên thu, tên tuổi của Người sáng mãi cùng lịch sử trong sự kính yêu vô hạn của người dân Việt Nam, trong sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ của loài người yêu chuộng hòa bình khắp năm châu bốn biển. Tôi thích gọi Đại tướng là Một huyền thoại đặc biệt của muôn đời.
Dẫu biết “sinh vô hạn, tử vô kỳ” nhưng cuộc đời của danh tướng huyền thoại này từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến lúc từ giã cõi trần đều mang những thời khắc có thể coi là rất đặc biệt. Võ Nguyên Giáp chào đời ngày 25-8-1911. Tháng 8 năm ấy là mùa mưa lũ, 103 năm sau Đại tướng về với Bác Hồ, về với tổ tiên cũng nhằm mùa mưa bão. Quảng Bình quê hương yêu dấu sản sinh ra danh tướng huyền thoại nay lại bị bao trùm trong mưa bão và một cơn bão khác lại dâng lên: Bão lòng tiếc thương, tưởng nhớ Đại tướng của nhân dân.
Tôi chưa một lần được may mắn diện kiến bậc vĩ nhân – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng hương Quảng Bình để một lần được nắm tay Huyền thoại đặc biệt của muôn đời đã dẫn dắt quân dân làm nên những chiến thắng mang tầm thời đại. Tận đáy lòng tôi, đặc biệt kính yêu và ngưỡng mộ Người. Khi nghĩ và viết về Đại tướng, tự dưng thấy mình được lớn hơn, trưởng thành hơn, bỗng thấy mình được thanh lọc, bớt đi những nhỏ nhen tị hiềm, phải ra sức mà phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa, xứng đáng với những gì mà Đại tướng và các thế hệ ông cha đã cống hiến cho dân tộc này. Tôi tin hàng vạn người cũng chung suy nghĩ với tôi khi nghĩ về Đại tướng.
Mọi hiểu biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ qua lời kể của các thế hệ người cao tuổi trong làng, hay sách vở, thông tin đại chúng nhưng thấy sao mà gần gũi, quý mến như Đại tướng là người ông, người ông cao cả của quê hương Quảng Bình yêu dấu. Người Quảng Bình quê tôi và nhiều vùng quê khác đều trìu mến gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bác Giáp, nghe sao mà thân thương, vừa đủ tôn kính nhưng lại rất gần gũi ấm áp giống như cách mà mọi người con Việt Nam gọi lãnh tụ Hồ Chí Minh – Người Cha già của dân tộc là Bác Hồ vậy. Nếu lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại là người được nhân dân Việt Nam kính yêu nhất thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thứ hai được nhận những tình cảm tốt đẹp này.
Để được như thế, rõ ràng là ngoài tài năng lớn mà khắp nơi nơi đã từng biết, vị tướng huyền thoại còn được mọi người biết đến là hiện thân của một bậc vĩ nhân nhưng vô cùng bình dị, với nụ cười bình thản và vui vẻ, chân tình trong từng lời nói và việc làm, luôn quan tâm tới nhân dân đặc biệt là người lính. Nghĩa là nhà văn hóa lớn, nhân cách lớn Võ Nguyên Giáp. Thấy thấp thoáng đâu đó phong cách của Bác Hồ trong con người Võ Nguyên Giáp. Phải chăng những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam thể hiện ở lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thành danh nhân văn hóa thế giới, đã ít nhiều được các học trò của Người học tập noi theo mà một trong những người học trò xuất sắc và gần gũi nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những phẩm chất cách mạng sáng ngời, tài đức vẹn toàn, song toàn văn võ nhưng lại rất đời thường và giản dị, gần gũi và gắn bó với quân dân, luôn phục vụ vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. Những ngày Đại tướng còn sống đi đến đâu cũng được hàng đoàn người vây quanh chào đón ân cần. Từ những ngày còn đương nhiệm hay khi đã về già, sức đã yếu, đến đâu Đại tướng cũng đều hỏi thăm đồng bào ân cần từ các cụ bô lão đến các em thiếu nhi. Nay, Người nằm xuống những giọt nước mắt của người dân trên cả nước đã rơi tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ, từ những cụ già ở Mường Phăng nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng đánh tan giặc Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ năm nào đã lập bàn thờ Đại tướng khi nghe tin Bác Giáp mất, đến những cụ bà đã 90 tuổi bắt xe đò từ tận miền Nam ra phố Hàng Diệu – Hà Nội nơi ở của Người để viếng linh hồn Đại tướng lần cuối.
Hàng ngàn người xếp hàng nối đuôi nhau trên cả cung đường dài tới gần Quảng trường Ba Đình để chờ vào tiễn biệt lần cuối trước khi vị anh hùng vĩ đại của dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Quảng Bình. Tất cả đều trật tự, lặng yên, thể hiện không khí trang nghiêm kính trọng vị tướng của nhân dân đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc và thế giới ngay từ khi còn đương thời.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa (7-5-1954) làm thế giới phải nhớ mãi đến tên tuổi Võ Nguyên Giáp và Đại thắng mùa xuân đánh thắng đế quốc Mỹ (30-4-1975) gọi tên người chỉ huy đầu tiên chỉ đạo đội quân nhân dân chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới lúc bấy giờ, nhưng chưa từng được đào tạo bài bản qua một trường quân sự nào. Những chiến thắng “thần thánh” đó đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của thực dân, đế quốc ở Đông Dương, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới tiếp tục vùng lên và giành thắng lợi. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì luôn luôn khiêm tốn, thường tránh những lời ngợi khen của báo giới, ký giả dành cho mình. Đại tướng luôn tâm niệm rằng, không có chiến thắng nào trong chiến tranh là đẹp cả. Phải, trước khi trở thành người chỉ huy quân đội thì Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo dạy lịch sử, từ những buổi đầu khởi nghĩa dành chính quyền ông đều căn dặn đoàn quân của mình là luôn cố gắng giải quyết sự việc trước hết bằng hòa bình, thương thuyết, Người không ủng hộ chiến tranh và thường gọi những cuộc chiến là những sai lầm do những kẻ hiếu chiến tạo ra. Đó cũng là điều rất nhân văn và đặc biệt trong phong cách của Đại tướng có một không hai này. Sau những chiến thắng, khi các chiến sĩ hò reo vui mừng thì người tướng soái đứng đầu toàn quân ấy lại ngậm ngùi rơi nước mắt lặng lẽ, thương tiếc biết bao chiến sĩ đã ngã xuống, nhiều người lính phải chịu thương tật vì đạn bom, những mất mát là quá lớn, đau đớn lắm. Sau này cũng thế khi những lần được hỏi về chiến công vĩ đại năm xưa, người chỉ huy huyền thoại năm nào cũng đều xúc động nhắc về sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Đảng, về sự chiến đấu hy sinh quên mình của dân và quân ta. Riêng Đại tướng chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa bao la biển cả, xem mình bình đẳng với những người lính. Đại tướng luôn nhắc nhở các thế hệ nhớ về những sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Bậc vĩ nhân đã nằm xuống sau hơn một thế kỷ cống hiến mà những công lao trở thành bất tử với lịch sử. Sinh thời, Đại tướng đã viết những bộ sách tiếp tục làm ngời sáng tư tưởng Hồ Chí Minh – người lãnh tụ, người thầy kính yêu của mình, kim chỉ nam cho đường lối của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy việc học tập và sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là không ngừng nghỉ. Đó là việc làm cần thiết cho các thế hệ hôm nay và mai sau nhằm củng cố và phát huy tính sáng tạo trong nghệ thuật quân sự đậm chất Việt Nam, cũng là phong cách người thầy không bao giờ phai nhạt trong con người Đại tướng luôn quan tâm tới ngành giáo dục nước nhà, lò đào tạo nhân tài cho cả nước. Đúng như tâm niệm mà lúc sinh thời Đại tướng nói rằng, nếu không làm người lính thì sẽ vẫn là người thầy dạy lịch sử. Để thấy sự khiêm nhường trong nhân cách vị tướng vĩ đại là sáng mãi, sống mãi với thời gian.
Đại tướng hưởng dương 102 tuổi, hưởng thọ 103 tuổi, âu cũng là điều hiếm thấy trong các bậc vĩ nhân. Sinh ra trong loạn lạc, lớn lên trong đấu tranh Cách mạng, làm nên những chiến công vĩ đại, bắt tay vào chỉ đạo xây dựng kiến thiết, được chứng kiến đất nước hoàn toàn hòa bình, độc lập, tự do và ngày càng phát triển đi lên, đúng như lời Bác Hồ từng mong ước và dự tính năm nào. Đại tướng đã mãn nguyện ra đi, không hối tiếc một điều gì, linh hồn Người ngậm cười nơi chín suối và báo cáo những niềm vinh quang của dân tộc cho Bác Hồ nghe khi gặp lại. Có thể nói rằng, nếu không có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thì sẽ không có Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, nếu như thế thì ắt là lịch sử hẳn đã khác.
Đây có thể xem là nhân duyên vĩ đại làm nên đỉnh cao minh triết của dân tộc Việt Nam sau hàng ngàn năm lịch sử, đó là thời đại Hồ Chí Minh.
Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lan đi, không phải máu mủ, ruột rà gì với Người sao hàng vạn người vẫn khóc thương, tưởng niệm? Phải chăng tài năng và nhân cách lớn Võ Nguyên Giáp từ lâu đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng mọi người yêu chuộng hòa bình, kể cả những kẻ thù bên kia chiến tuyến, giờ đây nhận được tin dữ thì tình cảm ấy chợt dâng lên vỡ òa hướng về Đại tướng kính yêu. Âu đó cũng là điều đặc biệt chăng?! Nhân dân Việt Nam tổ chức Quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một điều vô cùng đặc biệt vì những công lao to lớn của Người và sự kính yêu vô bờ của người dân dành cho vị tướng vĩ đại. Nhân dân cả nước, đồng bào miền Trung nói chung và người dân Quảng Bình nói riêng sẽ biến niềm tiếc thương vô hạn thành hành động, phát huy tinh thần quật cường của Đại tướng nỗ lực vượt khó, quyết tâm xây dựng lại từ đổ nát sau cơn bão lịch sử tàn phá gây những thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay.
Nguồn qdnd.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.