Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Ngày 9/10, tại Công viên Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân Lễ hội kỷ niệm 147 năm ngày hy sinh oanh liệt của cụ Nguyễn (1868 – 2015).

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, các sở, ban, ngành và thân tộc cụ Nguyễn cùng hàng ngàn đồng bào trong, ngoài tỉnh dự Lễ.

1

Đông đảo người dân thành kính dâng hương trước tượng đài Cụ Nguyễn.
Ảnh: Thế Hạnh/
 kiengiang.gov.vn

Tại Lễ dâng hương, ông Bùi Văn Thành, Phó Ban di tích Lịch sử – Văn hoá đình Nguyễn Trung Trực đọc chúc văn tưởng niệm, tri ân công đức người Anh hùng dân tộc đã một lòng vì nước, vì dân, chiến đấu chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Với câu nói bất diệt “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”, tinh thần bất khuất, kiên trung và sự hy sinh oanh liệt của cụ Nguyễn đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường đánh đuổi kẻ thù ngoại bang của nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng; góp phần vào thắng lợi của cả nước trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời chiến đấu của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với hào khí “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa – Kiếm bạt Kiên Giang khấp qủy thần”; điểm lại những chiến công hiển hách của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực vang dội ở miền Nam do chính cụ Nguyễn chiêu tập, khởi nghĩa trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ 19.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch còn gọi là Quản Chơn, sinh năm 1838, tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực đã chiêu tập nghĩa quân, kết hợp hiền tài tham gia khởi nghĩa với Trương Công Định ở Gò Công. Năm 1861, ông chiến đấu cùng nghĩa quân bảo vệ vùng Gò Công rồi trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân. Tháng 12/1861, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân lập chiến công vang dội đốt cháy tàu Espérance của giặc Pháp trên sông Nhật Tảo và được triều đình Huế phong chức Quản Cơ. Ngày 16/6/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Rạch Giá, tiêu diệt toàn bộ quân địch nhưng sau đó bị quân Pháp tập trung quân lính, vũ khí mạnh đàn áp. Ông cùng nghĩa quân rút về Phú Quốc phòng thủ, đánh nhiều trận tiêu hao sinh lực địch. Tại Cửa Cạn (Phú Quốc), ông đã cùng nghĩa quân chiến đấu trận cuối cùng, bị thương và bị giặc bắt. Dù bị tù đày, tra tấn, dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ nhưng giặc Pháp không khuất phục được cụ Nguyễn. Đứng trước cái chết, Cụ vẫn hiên ngang với khí phách anh hùng nơi pháp trường, khiến quân thù phải khiếp sợ.

Để tỏ lòng thành kính về tấm gương hy sinh anh dũng cũng như khâm phục những chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long lấy ngày 27/8 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ cụ Nguyễn, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân, tôn vinh đức tài của vị Anh hùng dân tộc. Nghi lễ này đã hình thành nên một Lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc, di sản văn hóa mang giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc.

Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Kiên Giang từ lâu trở thành hoạt động mang tính văn hóa, nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng và tôn vinh công lao to lớn của tiền nhân đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần giáo dục toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng dân tộc, anh hùng cách mạng – một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực năm 2015 là một trong những hoạt động để kết nối với các chuỗi sự kiện của Chương trình Năm Du lịch quốc gia với chủ đề: “Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long” do tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức./.

ĐCSVN