Đạo đức nghề báo trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Đạo đức nghề báo trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin”, với sự tham gia của nhiều nhà báo đang hoạt động tại các cơ quan báo chí.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận, phân tích về sự phát triển của khoa học – công nghệ, tạo ra những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận và hoạt động trao đổi thông tin của các phương tiện truyền thông truyền thống. Từ đó đưa ra câu trả lời cho việc phải làm thế nào để các phương tiện truyền thông cổ điển sản xuất ra các sản phẩm truyền thông phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng truyền thông hiện nay? Những thay đổi về kỹ năng của nhà báo trong môi trường truyền thông số là gì? Trước những tin đồn trên mạng xã hội, nhà báo cần phải ứng xử như thế nào?

Thực tế cho thấy, việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, không ít tin đồn xuất hiện trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo chính thống (đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách) chưa được kiểm chứng thực hư. Điều đó, không những tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.

Hội thảo “Đạo đức nghề báo trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin”. (Ảnh: HN)

Từ thực tế đó, báo chí cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội, bởi báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin.

Bên cạnh đó, trong môi trường thông tin đa chiều, báo chí cần phải “vun đắp” niềm tin cho công chúng. Thực tế cho thấy, những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các trang mạng xã hội rất nguy hiểm. Do đó, khi khai thác thông tin trên mạng xã hội, nhà báo luôn phải nhớ rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Để làm tốt chức năng ấy, báo chí trước hết phải tôn trọng sự thật và “vun đắp” niềm tin cho công chúng của mình. Để làm được điều đó các cơ quan báo chí, đặc biệt các nhà báo luôn phải tỉnh táo, ứng xử một cách linh hoạt để có những bài viết chính xác, đưa ra cảnh báo cũng như tránh các hệ lụy của những tin đồn gây hại cho đất nước, dân tộc…

Các đại biểu tham dự hội thảo khẳng định, nếu nhà báo không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hoành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính bị tổn thương nặng nề.

Với Hội thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn giới báo chí có thể vượt qua chính mình, thấm nhuần hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong việc thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội, vì ngoài mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước; báo chí còn thực hiện chức năng phản biện xã hội. Các nhà báo không được để đồng tiền chi phối, đi chệch các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, vi phạm Luật báo chí và đặc biệt là hạ thấp phẩm chất của người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong cả nước./.

Nguồn ĐCSVN