Đất nước cần những người làm báo
Sáng 20/6 tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo cả nước và cán bộ, nhân viên Học viện nhân Ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, báo chí Việt Nam trong những năm vừa qua đã có nhiều đổi mới, vươn lên mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo được nhiều phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền, tư tưởng-văn hóa, lý luận chính trị và cán bộ một số ngành khoa học xã hội-nhân văn khác, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới, Học viện phải luôn ý thức rõ vị trí của mình, một đơn vị vừa là trường Đảng, vừa là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đảm đương công tác đào tạo nhà báo để đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo. Qua đó góp phần xây dựng một đội ngũ nhà báo giàu nhiệt tình cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý chương trình đào tạo phải từng bước cập nhật với xu hướng phát triển của báo chí-truyền thông và thực tiễn cách mạng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; gắn lý thuyết với thực hành, coi trọng việc rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, đồng thời đổi mới tư duy để thực sự đào tạo được những người “làm báo” chứ không chỉ là những người “viết báo”…
Học viện cũng quán triệt phương châm từng bước xã hội hóa công tác đào tạo trên cơ sở gắn kết bền chặt giữa nhà trường và các cơ quan báo chí; xây dựng Học viện sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.
Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương được thành lập năm 1962 trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên giáo, Trường Đại học nhân dân và Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II… Đến tháng 6/2005, nhà trường đổi tên thành Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Từ năm 1990 đến nay vừa là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân vừa là bộ phận hữu cơ cấu thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Học viện hiện có 19 khoa, đào tạo 29 chuyên ngành đại học, 13 chuyên ngành cao học, 3 chuyên ngành bậc tiến sĩ. Riêng đối với lĩnh vực báo chí, Học viện hiện có 2 khoa đào tạo, 1 Viện nghiên cứu báo chí và 1 tạp chí lý luận chính trị-truyền thông. Các Khoa Báo chí, Phát thanh-Truyền hình đang đào tạo 7 chuyên ngành gồm báo in, ảnh báo chí, báo truyền hình, báo phát thanh, báo mạng điện tử, quay phim truyền hình và báo chí đa phương tiện.
Hằng năm, Học viện tuyển sinh gần 1.800 sinh viên đại học tập trung, hơn 600 học viên cao học và trên 30 nghiên cứu sinh. Học viện có gần 400 giảng viên, cán bộ, công nhân viên, trong đó có 23 Giáo sư, Phó Giáo sư, 80 Tiến sĩ, 150 Thạc sĩ.
Nguồn Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.