Đầu tư bị cắt giảm, đại dịch HIV/AIDS có nguy cơ quay trở lại!
Bộ Y tế cảnh báo sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ mít tinh phòng chống HIVAIDS năm 2017
Ngày 26-11, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10-11& 11-12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) năm 2017 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Tới dự và phát biểu tại buổi Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS, góp phần làm giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong. Trước đây, 90% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí này đang dần bị cắt giảm. Trước tình hình này, cùng với nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách cho hoạt động này, cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để họ tiếp tục được khám và điều trị bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc. Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tiên là Việt Nam cần tiếp tục kiên trì trong hoạt động phòng bệnh do căn bệnh này. Mọi người cần nhận thức được đây là một căn bệnh và người nhiễm HIV là một bệnh nhân. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền cần được tăng cường và có các biện pháp để tất cả những người nhiễm HIV đều được điều trị thuốc ARV. Tạo điều kiện để tất cả những người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ lây nhiễm không bị kỳ thị, được cảm thông, chia sẻ và chăm sóc, điều trị.
Phó Thủ tướng kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay để thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong suốt những năm qua, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, hoạt động phòng chống HIV ở nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện nay mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh bảo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cảnh báo sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống, nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp, nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho đến nay thế giới đang có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch.
Đối với Việt Nam, năm 2017 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.