ĐBSCL chủ động ứng phó với sạt lở và sụt lún

Nhiều chuyên gia am hiểu ĐBSCL, kể cả các tổ chức quốc tế đã đánh giá Nghị quyết 120 sáng giá, đưa ra những định hướng chiến lược với tư duy hiện đại của thế giới về phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Giữa tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Nhiều vấn đề đặt ra từ hội nghị, trong đó chủ yếu là phải làm nhanh hơn, đồng bộ hơn và quyết liệt hơn để chính sách đi vào đời sống và phát huy hiệu quả.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ nét đến ĐBSCL. Những năm qua, sạt lở và sụt lún ở vùng đất này không còn theo quy luật mà diễn biến rất phức tạp. Nghị quyết 120 đã xác định phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của vùng trong những năm tới và nhấn mạnh cần kiểm soát, hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro, dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Đòn bẩy đưa  ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 1: Chủ động ứng phó với sạt lở và sụt lún ảnh 1
Sạt lở đã cuốn trôi hàng trăm nhà dân ở ĐBSCL mỗi năm. Ảnh: CAO PHONG
Gia tăng tần suất và phạm vi

Từ năm 2010 tới nay, sạt lở ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Trung bình hàng năm, sạt lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hiện ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh rạch); sạt lở bờ biển là 52 điểm với tổng chiều dài 268km. Trong số các điểm sạt lở nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 170km, gồm: bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85km (biển Đông 15 điểm/69km, biển Tây 3 điểm/16km).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, mỗi năm tỉnh này sạt lở khoảng 400ha, trong đó hơn 300ha là rừng phòng hộ ven biển. Cà Mau chưa hình thành tuyến đê biển, sạt lở diễn ra mạnh, khả năng chống chịu và thích ứng với nước biển dâng rất hạn chế; trong khi xâm nhập mặn ngày càng sâu, các hình thức liên kết chậm phát triển, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Một số vùng đã xây kè chắn sóng nhưng vẫn không chịu nổi áp lực của thiên nhiên. Kè Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Vào thời điểm này, kè Gành Hào được xem là chắc chắn nhất, được xây dựng tại khu vực bờ biển ĐBSCL. Dù vậy, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, kè Gành Hào đã bị sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau việc kè Gành Hào bị sạt lở, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp để gia cố an toàn. “Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh Bạc Liêu đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn làm tường phá sóng từ xa, lúc đó mới đảm bảo an toàn lâu dài cho kè Gành Hào”, ông Ẩn nói.

ĐBSCL không chỉ đối diện với tình trạng nước biển dâng mà còn đang “tự chìm”. Hiện tốc độ lún trên 10cm tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2005 – 2017 trung bình là 1,85cm/năm, với 137 mốc lún. Mức độ khai thác nước dưới đất ở những vùng sụt lún trên 10cm này trung bình 111km3/ngày/km2. Nguyên nhân sụt lún và suy giảm nguồn nước dưới đất do yếu tố tự nhiên và tác động từ hoạt động khai thác quá mức tài nguyên của con người. Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Công, do việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn, lượng bùn cát về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng, dự kiến đến năm 2020 chỉ còn khoảng 47,4 triệu tấn/năm (giảm 67% so với trước 2007). Với tốc độ xây dựng hồ chứa như hiện nay, đến năm 2040, lượng bùn cát về ĐBSCL chỉ còn 4,5 triệu tấn/năm (giảm 97% so với giai đoạn trước năm 2007).

GS Nguyễn Kim Đan, Giám đốc điều hành GIS Hed (một đơn vị nghiên cứu về sụt lún ở ĐBSCL), đặt vấn đề: Phải chăng ĐBSCL đang có nguy cơ “chết dần” nếu chúng ta không chủ động thích ứng? Ông khẳng định, các đập thủy điện thượng nguồn đã làm thay đổi toàn bộ nguồn nước tại vùng, cùng với 96% suy giảm bùn cát vào ĐBSCL đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển. Vì thế, cần tìm kiếm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, phát triển thủy điện trên thượng lưu và sụt lún; cần ưu tiên cho các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên để đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong ĐBSCL.

Huy động nguồn lực ứng phó

Trước tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở ĐBSCL, năm 2018, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 33km/71km. Đến nay, việc xử lý này đã hoàn thành khoảng 27% tổng khối lượng; trong đó, một số tỉnh đã cơ bản hoàn thành như Cà Mau, Bạc Liêu, song cũng còn những tỉnh chưa tổ chức triển khai thi công như An Giang, Bến Tre, Trà Vinh.

Tuy nhiên, đụng đến các công trình chống sạt lở thì vốn rất lớn, từ vài trăm tỷ đồng đến cả ngàn tỷ đồng/dự án. Trước tình hình trên, có địa phương như Cần Thơ đã chủ động đưa ra biện pháp hạn chế các rủi ro, thiệt hại do sạt lở gây ra. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu chính quyền cấp xã, phường quản lý chặt và không cho phép người dân xây dựng nhà ở khu vực ven sông. Một số ý kiến cho rằng ĐBSCL cần nghiên cứu thay đổi thói quen xây dựng đường giao thông cặp các bờ sông (rất dễ sạt lở); đưa ra cao trình xây dựng nhà ở cụ thể để người dân có thể thích nghi với tốc độ sụt lún hiện nay.

Hiện các tỉnh ven biển ĐBSCL đã chủ động trồng cây bảo vệ bờ biển. Tỉnh Trà Vinh đã trồng 230ha rừng bần, đồng thời đã và đang thực hiện trồng thêm gần 300ha rừng bần, đước, phi lao để tạo vành đai bảo vệ 1.179ha rừng nguyên sinh. Tỉnh Cà Mau chọn cây mắm để trồng ven biển chống sạt lở. Mô hình này đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn.

Đòn bẩy đưa  ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 1: Chủ động ứng phó với sạt lở và sụt lún ảnh 2
Một đoạn đường giao thông ở Cà Mau bị sụp, lún. Ảnh: TẤN THÁI
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã chủ động thực hiện công trình kè ngầm tạo bãi, được xem là giải pháp “2 trong 1” đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, công trình này dùng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực dài 6m đóng liền kề 2 dãy, mỗi dãy cách nhau khoảng 2m, phần rỗng bên trong được đổ đá để bảo vệ khi sóng đánh vào nước sẽ theo rãnh chảy vào, kéo theo lượng phù sa. Lâu dần phù sa bồi lắng tạo thành bãi, sau đó trồng cây mắm, cây đước, vừa khôi phục được rừng phòng hộ vừa bảo vệ đê biển không bị vỡ trước sóng to gió lớn. Đến nay đã có 17km kè được xây dựng với kinh phí hơn 20 tỷ đồng/km. Sau thời gian thí điểm, phù sa đã bồi lắng bên trong đê trụ rỗng dày lên trung bình khoảng 7cm, góp phần ổn định đê và tái sinh rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, theo đánh giá của Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN-PTNT), việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật ở vùng ĐBSCL còn nhiều điểm hạn chế. Trong đó, một số công trình áp dụng giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên hoặc chưa bám sát các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, thi công nên đã bị hư hỏng, hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.

Về phòng chống sạt lở bờ sông, hầu hết các công trình được thực hiện tại những khu vực đã bị sạt lở theo hướng “hỏng đâu làm đấy”, thiếu kế hoạch dài hạn, căn cơ cho toàn hệ thống sông, kênh rạch trong vùng. Còn tại bờ biển, kè chống sóng và một số tuyến kè bảo vệ bờ chưa phù hợp, quy mô công trình khá lớn, song diện tích bảo vệ còn hạn chế và ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại. Việc tính toán và bố trí tường hắt sóng tại những công trình chưa phù hợp, gây hư hỏng khi thường xuyên chịu tác động của sóng…

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, khi xây dựng phương án chỉnh trị sông cần tập trung xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, kết hợp bố trí lại dân cư vùng ven sông, ven biển. Đồng thời xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên phạm vi toàn quốc, bao gồm việc lập bản đồ các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Công tác quản lý bờ sông, kênh rạch, bờ biển, giảm tác động gây xói lở phải được thực hiện theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông…; cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch, xói lở bờ biển, lún sụt đất, trồng và phục hồi rừng ngập mặn.

Nguồn SGGP