ĐBSCL có thể ngập lụt trên diện rộng
Mực nước trên sông Mê Kông lên nhanh và đang ở mức cao. Đề phòng vào cuối tháng 9 này, lũ đầu nguồn kết hợp với triều cường sẽ gây ra ngập lụt trên diện rộng ở ĐBSCL.
Lũ cao nhất 8 năm qua
Hiện tại mực nước sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Theo số liệu từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) T.Ư, mực nước cao nhất ngày 20.9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,20m (trên báo động (BĐ) 2: 0,20m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,58m (trên BĐ2: 0,08m). Dự báo trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) sẽ lên nhanh. Đến ngày 25.9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,45m (dưới BĐ3); tại Châu Đốc lên mức: 3,80m (dưới BĐ3), tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên mức BĐ1 -BĐ2, có nơi trên BĐ2, sau đó còn tiếp tục lên.
|
Theo Đài KTTV khu vực Nam Bộ, từ ngày 23.9, vùng hạ lưu các sông ở Nam Bộ sẽ vào kỳ triều cường với đỉnh triều ở mức cao. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu và Châu Đốc sẽ lên mức BĐ3 (4,50m tại Tân Châu và 4,00m tại Châu Đốc), hoặc trên mức BĐ3. Vùng nội đồng ĐTM và TGLX mực nước sẽ lên trên mức BĐ2, có nơi xấp xỉ BĐ3. Vùng hạ lưu các sông, mực nước sẽ xấp xỉ BĐ3.
Ông Nguyễn Minh Giám - Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho biết, lũ ĐBSCL năm nay đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua, tính từ năm 2003. Theo nhận định của ông Giám, đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, khả năng sẽ xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở ĐBSCL do ảnh hưởng kết hợp của 2 yếu tố: lũ và triều cường. “Tình huống xấu hơn, nếu như xảy ra tổ hợp lũ, triều cường và mưa lớn cùng thời gian này, thì tình hình ngập lụt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn” - ông Giám cảnh báo.
''Nếu như xảy ra tổ hợp lũ, triều cường và mưa lớn cùng thời gian, thì tình hình ngập lụt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn'' - Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài KTTVKVNB |
Thời tiết nguy hiểm
Trung tâm dự báo KTTV T.Ư hôm qua (21.9) đã phát cảnh báo thời tiết nguy hiểm khi vào sáng hôm qua, trên khu vực phía đông nam quần đảo Hoàng Sa đã hình thành một vùng áp thấp. Trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành AT nhiệt đới. Khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa giông mạnh. Biển động, trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy. Khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa giông mạnh. Trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy. Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có giông.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, thời tiết ở Nam Bộ vào hôm qua đã chuyển xấu hơn so với những ngày trước, nhất là ở vùng ven biển và trên biển. Mưa xảy ra đều khắp cả Nam Bộ, chủ yếu tập trung vào chiều tối, có nơi mưa to. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ do yếu tố địa hình đồi dốc, có thể xảy ra lũ cục bộ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.