ĐBSCL dốc lực ứng phó triều cường
Đến nay, dù mực nước đã bắt đầu thấp dần, nhưng vẫn còn trên mức báo động 3, đe dọa nhiều vườn cây ăn trái, hoa màu, khiến các địa phương tiếp tục nỗ lực phòng chống.
Không kịp trở tay
Chiều 29-9, khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu nước bắt đầu lên cao. Đến tối cùng ngày thì nước mênh mông khắp nơi và gây vỡ đê bao nhiều vườn cây ăn trái. Hầu như cả Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… người dân phải chống chọi với con nước lên bất ngờ.
Sáng 30-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi thông báo cho biết, mực nước cao nhất đo được trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 2,11m trên báo động 3 là 0,31m (vượt lịch sử năm 2018 là 0,04m); trên sông Hậu tại Cần Thơ 2,25m, trên báo động 3 là 0,35m (vượt mức lịch sử năm 2018 là 0,02m, cao hơn mực nước dự báo 15cm).
“Triều cường ở TP Cần Thơ bắt đầu từ ngày 27-9, chỉ lên tràn mặt đường một chút rồi rút. Những ngày sau đó, triều lên trễ và lớn dần. Nước tràn vào nhà, quán, tủ lạnh trong nhà dời không kịp, bị ngập phải đem sửa. Giờ trước cửa quán, tôi đã xây dựng thêm bức tường cao 30cm để chắn nước triều cường tràn vào”, anh Trần Văn Thức, chủ quán cà phê ở đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết.
Nhiều hộ buôn bán lề đường phải tạm đóng cửa, việc đưa rước con cái đến trường rất khó khăn. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đợt triều cường lịch sử này còn uy hiếp đến vùng cây ăn trái, hoa màu rộng lớn của người dân ĐBSCL.
Bà Phan Kim Nhẹ, ngụ xã cù lao Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) lo lắng đứng ngồi không yên: “Do đê vỡ khiến hơn 6.000m2 diện tích trồng xoài của gia đình bị thiệt hại nặng. Đã qua 3 ngày, nước tràn vào vườn ngập sâu gần đến 0,5m, nếu triều cường tiếp tục lên và kéo dài, tôi nghĩ không giữ được vườn xoài”, bà Nhẹ thẫn thờ cho biết.
Bến Tre là địa phương bị thiệt hại nặng nề do triều cường. Các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm… rất nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nặng, hàng trăm mét đê bao bị vỡ, hàng chục kilômét đường giao thông nông thôn bị nước tràn, gây sạt lở.
Tại Vĩnh Long, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Triều cường đã làm trên 5km quốc lộ bị ngập, 16,6km đường giao thông nông thôn bị tràn; 119 tuyến đê bao bị tràn với chiều dài 134km; 38 đập bị tràn; 218 căn nhà bị ngập; ngập 10 chợ; 2 ao nuôi cá bị tràn làm thiệt hại 7 tấn cá nuôi của người dân.
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Nhận định về đợt triều cường đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đã bắt đầu rõ nét hơn, không còn là những dự báo mà ai cũng bảo là xa vời nữa. PGS. TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Do lũ đầu nguồn ĐBSCL đổ về gặp đúng lúc nước triều dâng cao, cộng thêm mưa tại chỗ nên khiến mực nước dâng bất ngờ.
Đó là những yếu tố khách quan. Còn yếu tố chủ quan là tình trạng làm đê bao khắp nơi, một số đô thị thì nâng cốt nền, nói chung là mạnh ai nấy làm khiến ngập nặng ở đô thị như đang xảy ra chẳng theo một quy luật nào cả”.
Để chủ động chống ngập, từ vài năm qua, Cần Thơ đã nâng cốt nền các tuyến đường trong nội ô từ 2-2,5m. Đường cao, người dân cũng nâng nền nhà lên theo, nhưng nhà vẫn bị ngập. Lý giải nguyên nhân nâng cốt nền các tuyến đường nhưng Cần Thơ vẫn bị ngập mỗi khi triều cường, các nhà khoa học cho rằng, thành phố này đang bị lún.
Những năm qua, nước biển lại liên tục dâng cao. Không chỉ Cần Thơ mà cả ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. Theo Báo cáo Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm nên sụt lún đất ở ĐBSCL do Đại học Utrecht (Hà Lan) phối hợp với các chuyên gia Việt Nam công bố năm 2017, cho thấy trong 25 năm qua (1991-2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm; một số nơi, nền đất đã lún 25-35cm.
Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28-8 vừa qua cũng đăng bài của các nhà khoa học Hà Lan cảnh báo tốc độ chìm của ĐBSCL nhanh hơn nhiều so với dự báo. Theo đó, nghiên cứu cho thấy, khu vực ĐBSCL hiện có độ cao trung bình cực thấp, cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m. Mức cảnh báo thấp hơn nhiều so với giả định trước đó khoảng 2,6m.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, các phương thức ứng phó với tình trạng sụt lún và ngập lụt sẽ được Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ KH-ĐT triển khai theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án do diễn biến tự nhiên ngày càng không đúng như dự báo.
Để tiếp tục hạn chế những thiệt hại do triều cường gây ra trong những ngày tới, chiều 1-10, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thành phố đã có Công văn số 3008 yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận huyện triển khai các giải pháp khẩn cấp chủ động ứng phó với triều cường.
Cần nắm chắc tình hình để chủ động phòng chống, dựa trên cơ sở diễn biến của số liệu thực đo cùng với số liệu dự báo được cập nhật thường xuyên, kịp thời cảnh báo đến người dân qua báo đài để người dân chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng ngừa tai nạn đuối nước, nhất là với trẻ em, cùng các tai nạn như điện giật, tai nạn giao thông; đảm bảo khi xảy ra sự cố cần tập trung lực lượng xử lý ngay.
Tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, chính quyền cùng người dân gia cố đê bao, thoát úng cho các vườn cây ăn trái. Ngành giáo dục TP Cần Thơ cũng tiếp tục cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học vào ngày 2-10; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các đơn vị có biện pháp quản lý, nắm chính xác số lượng học sinh đến trường và ra về trong các ngày triều cường dâng cao; kịp thời thông báo, phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tổ chức đưa đón học sinh; tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước và các sự cố khác do triều cường gây ra.
Còn nhiều đợt triều cường mạnhChiều 1-10, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đã cập nhật cảnh báo tình hình thời tiết, thiên tai trên cả nước có thể xảy ra trong tháng 10. Theo đó, không khí lạnh từ phía Bắc sẽ có xu hướng hoạt động mạnh dần, tác động xuống miền Bắc nước ta, tập trung trong nửa cuối tháng 10. Đây cũng là tháng chính của mùa mưa ở khu vực miền Trung, song dự báo tổng lượng mưa tháng 10 năm nay có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tới 20% – 40%. Trong tháng này có khả năng xuất hiện khoảng 1 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực biển Đông. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông Tại miền Nam và miền Trung, tình hình triều cường năm nay được dự báo có tần suất cao. Ven biển Trung bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 11 đến ngày 14-10, các ngày 9 đến ngày 13-11 và các ngày 13 đến ngày 16-12. Tại ven biển Nam bộ, nhiều đợt triều cường cao với mực nước tại trạm Vũng Tàu vượt 4m, xuất hiện vào các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các ngày giữa và cuối của tháng 11 và 12 năm 2019. Hiện tượng sạt lở bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa mạnh. VĂN PHÚC |
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.