ĐBSCL: Lũ đạt đỉnh cuối tháng 9, triều cường sẽ xuất hiện nhiều hơn

“Mùa mưa ở ĐBSCL đã đến muộn, lũ không về sớm. Khả năng đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, từ 0,2 – 0,4m”, là nhận định vừa được Bộ TN-MT đưa ra. 

Ngày 10-9, nước lũ đã đổ về một số nơi ở đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp; tuy nhiên, mực nước thấp hơn cùng kỳ đáng lo ngại.

“Với tình hình nước lũ đổ về thế này thì mùa khô tới đây, vùng châu thổ thiếu nước là chắc rồi. Nông dân nên cố gắng thu trữ nước mưa bằng mọi vật chứa có thể (lu, bể xi măng, kênh mương, ao đìa…) càng nhiều càng tốt. Cần chọn cây trồng tiết kiệm nước ngọt”, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), khuyến nghị.

lu

Lũ ở ĐBSCL dự kiến sẽ đạt đỉnh cuối tháng 9/2020

Lũ nhỏ nhưng vùng hạ nguồn phải đối phó với triều cường lớn hơn. Theo Bộ TN-MT, từ nay đến cuối năm, ĐBSCL sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường (mỗi tháng xuất hiện một đợt). Cụ thể, đợt triều cường đầu tiên sẽ xuất hiện từ 18 đến 21-9 (nhằm mùng 2 đến 5-8 âm lịch); các đợt triều cường kế tiếp lần lượt xuất hiện 15 đến 19-10, 14 đến 18-11 và 13 đến 17-12. Độ cao của các đợt triều cường này có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18-10, trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng.

Bộ TN-MT khuyến cáo, các địa phương trong vùng cần chuẩn bị tốt phương án, sẵn sàng ứng phó với các đợt triều cường, hạn chế thiệt hại gây ra cho người dân. Năm ngoái, cuối tháng 9 và đầu tháng 10, ĐBSCL chỉ có lũ nhỏ, nhưng các địa phương hạ nguồn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu bị ngập nặng, do xuất hiện đỉnh triều cường lịch sử đạt 2,25m trên sông Hậu. Hàng loạt tuyến đê bao các cồn bị nước phá vỡ và đô thị Cần Thơ bị ngập nước nghiêm trọng trên diện rộng.

Nguồn SGGP